Vị trí công việc là một trong những nội dung đã được thỏa thuận và ghi nhận trong hợp đồng lao động. Giả sử khi ký hợp đồng không có ghi nhận, nhưng nếu công ty có quyết định bổ nhiệm vợ anh làm Trưởng phòng nhân sự thì quyết định này có giá trị như phụ lục hợp đồng, ghi nhận sự thay đổi vị trí công việc.
Khi thay đổi bất cứ nội dung nào trong HĐLĐ, các bên cũng phải đạt được sự thỏa thuận. Trừ trường hợp bị xử lý kỷ luật lao động hình thức Cách chức. Đây là nguyên tắc tại Bộ luật lao động.
Cụ thể: Theo Điều 35 Bộ luật lao động 2012
Điều 35. Sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động
1. Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 3 ngày làm việc về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
2. Trong trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.
3. Trong trường hợp hai bên không thoả thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết
Đối với trường hợp của vợ anh, khi vợ anh nghỉ thai sản, công ty có "thông báo về việc vợ tôi sẽ phụ trách mảng đào tạo sau khi quay lại làm việc" và trong email vợ anh phản hồi đã thể hiện sự đồng thuận. Sau đó khi quay lại làm việc, dù chưa thật sự đồng ý với giải thích của công ty về thời hạn thay đổi công việc, nhưng vợ anh không thể hiện mà chỉ chấp nhận công việc mới (đây có thể là một điểm bất lợi của vợ anh), điều này cũng thể hiện vợ anh đồng ý với công việc mới.
Hay nói cách khác, vợ anhvà công ty đã thỏa thuận thay đổi hợp đồng lao động về vị trí công việc. Do đó nội dung này công ty không sai.
Tuy nhiên, tiếp theo, khi có góp ý của nhân viên, công ty vợ anh lại tự ý thay đổi vị trí công việc của vợ anh sang tạp vụ hoặc làm vườn là trái quy định.
- Thứ nhất: việc này thay đổi này không tuân thủ quy định tại Điều 35 Bộ luật lao động;
- Thứ hai: Nếu thật sự công ty cách chức thì phải làm rõ:
+ Vợ anh vi phạm nội quy lao động, và hành vi này trong nội quy lao động phải thể hiện rõ là áp dung hình thức cách chức;
+ Bên cạnh đó, việc xử lý kỷ luật phải tuân thủ đúng trình tự tại Điều 123 Bộ luật lao động 2012 và văn bản hướng dẫn chứ không phải chỉ đơn thuần nói miệng là chuyển vị trí hoặc chỉ ra quyết định là xong.
Vợ anh có thể trình bày với công ty như vậy, trường hợp công ty vẫn cố tình làm trái quy định, vợ anh có thể làm đơn đề nghị Phòng lao động quản lý công ty giải quyết. Sau khi Hòa giải viên của Phòng Lao động giải quyết mà công ty vẫn không thực hiện hoặc chị không đồng ý với việc thỏa thuận thì có thể khởi kiện tòa án.