Công ty thực hiện trao đổi hàng hóa có phải xuất hóa đơn không?

Chủ đề   RSS   
  • #615192 14/08/2024

    Công ty thực hiện trao đổi hàng hóa có phải xuất hóa đơn không?

    Công ty thực hiện trao đổi hàng hóa có phải xuất hóa đơn không? Thời điểm xuất hóa đơn khi trao đổi hàng hóa, dịch vụ thông thường? Không lập hóa đơn đối với hàng hóa dùng để trao đổi bị phạt bao nhiêu?

    1. Công ty thực hiện trao đổi hàng hóa có phải xuất hóa đơn không?

    Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.

    Như vậy, công ty thực hiện trao đổi hàng hóa vẫn phải xuất hóa đơn theo đúng quy định của pháp luật.

    2. Thời điểm xuất hóa đơn khi trao đổi hàng hóa, dịch vụ thông thường?

    Căn cứ khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP. Theo đó, thời điểm lập hóa đơn khi trao đổi hàng hóa, dịch vụ thông thường được quy định như sau:

    - Thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa (bao gồm cả bán tài sản nhà nước, tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước và bán hàng dự trữ quốc gia) là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

    - Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).

    - Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.

    Như vậy, trong trường hợp thông thường, thời điểm lập hóa đơn đối với trao đổi hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa; thời điểm lập hóa đơn đối với trao đổi dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ theo quy định. 

    3. Không lập hóa đơn đối với hàng hóa dùng để trao đổi bị phạt bao nhiêu?

    Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP. Theo đó, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi không lập hóa đơn đối với các hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động, trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất.

    Đồng thời, tại khoản 5 Điều 5 Nghị định 125/2020/NĐ-CP. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, trừ mức phạt tiền đối với hành vi quy định tại Điều 16, Điều 17 và Điều 18 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

    Như vậy, đối với hành vi không lập hóa đơn đối với hàng hóa dùng để trao sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với tổ chức.

    Tóm lại, theo nguyên tắc khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua, bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi.

     
    406 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận