Có thể thấy, vấn đề được các cổ đông, nhà đầu tư quan tâm khi tham gia góp vốn vào công ty cổ phần đó chính là việc phân chia lợi nhuận. Trong đó, cổ tức xuất phát từ những khoản lợi nhuận của công ty, sau khi được hoàn thành các nghĩa vụ khác, khoản lợi nhuận còn lại sẽ được chia cho cổ đông. Vậy trong trường hợp công ty tiến hành tăng vốn điều lệ thì cổ tức sẽ chia trên mức vốn cũ hay mức vốn đã tăng?
Căn cứ Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định như sau:
"Điều 135. Trả cổ tức
1. Cổ tức trả cho cổ phần ưu đãi được thực hiện theo điều kiện áp dụng riêng cho mỗi loại cổ phần ưu đãi.
2. Cổ tức trả cho cổ phần phổ thông được xác định căn cứ vào số lợi nhuận ròng đã thực hiện và khoản chi trả cổ tức được trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty. Công ty cổ phần chỉ được trả cổ tức của cổ phần phổ thông khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;
b) Đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty;
c) Ngay sau khi trả hết số cổ tức, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.
3. Cổ tức có thể được chi trả bằng tiền mặt, bằng cổ phần của công ty hoặc bằng tài sản khác quy định tại Điều lệ công ty. Nếu chi trả bằng tiền mặt thì phải được thực hiện bằng Đồng Việt Nam và theo các phương thức thanh toán theo quy định của pháp luật.
4. Cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày kết thúc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên. Hội đồng quản trị lập danh sách cổ đông được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức được trả đối với từng cổ phần, thời hạn và hình thức trả chậm nhất là 30 ngày trước mỗi lần trả cổ tức. Thông báo về trả cổ tức được gửi bằng phương thức để bảo đảm đến cổ đông theo địa chỉ đăng ký trong sổ đăng ký cổ đông chậm nhất là 15 ngày trước khi thực hiện trả cổ tức. Thông báo phải bao gồm các nội dung sau đây:
a) Tên công ty và địa chỉ trụ sở chính của công ty;
b) Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân;
c) Tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức;
d) Số lượng cổ phần từng loại của cổ đông; mức cổ tức đối với từng cổ phần và tổng số cổ tức mà cổ đông đó được nhận;
đ) Thời điểm và phương thức trả cổ tức;
e) Họ, tên, chữ ký của Chủ tịch Hội đồng quản trị và người đại diện theo pháp luật của công ty."
=>> Như vậy, theo quy định trên trước khi chi trả cổ tức thì doanh nghiệp phải thực hiện lập danh sách cổ công được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức được trả đối với từng cổ phần chậm nhất là 30 ngày trước mỗi lần trả cổ tức và thực hiện thông báo trả cổ tức cho cổ đông chậm nhất là 15 ngày trước khi thực hiện trả cổ tức. Do đó, nếu việc điều chỉnh tăng vốn điều lệ diễn ra trước khi doanh nghiệp lập danh sách cổ đông nhận cổ tức thì sẽ thực hiện phân chia cổ tức theo vốn điều lệ mới. Còn trường hợp điều chỉnh vốn điều lệ sau khi đã có danh sách cổ đông nhận cổ tức thì lúc này mình vẫn sẽ thực hiện phân chia cổ tức theo vốn điều lệ cũ.