Bản án số :459/2006/KDTM-ST Ngày 15-9-2006
V/v tranh chấp hợp đồng đại lý mua bán cước giữ chỗ vận tải hàng không
Trong ngày 15 tháng 9 năm 2006 tại trụ sở Tòa án nhân dân TP.Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 189/KTST ngày 22 tháng 03 năm 2006 về tranh chấp hợp đồng đại lý mua bán cước giữ chỗ vận tải hàng không theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử1462/2006/QĐXX-ST ngày 01 tháng 9 năm 2006 giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Công ty kho vận Miền Nam
Địa chỉ: 1B Hoàng diệu, quận 4, TP.HCM
Có ông Nguyễn Thanh Ba , CMND số 022943492 do Công an TP. HCM cấp ngày 22-06-2001, làm đại diện ủy quyền theo giấy ủy quyền đề ngày 22-02-2006 của Giám đốc Công ty.
Bị đơn: Công ty TNHH thương mại dịch vụ C&I
Địa chỉ: 22 A Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP. HCM.
Có bà Nguyễn Thị Ngọc Mỹ, CMND số 331166500 do Công an tỉnh Cửu Long cấp ngày 12-7-1991 làm đại diện được ủy quyền theo giấy ủy quyền ngày 15-9-2006 của Giám đốc Công ty.
Có Luật sư Diệp Năng Bình, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn.
Tất cả đều có mặt.
NHẬN THẤY
Theo đơn khởi kiện ngày 10-02-2006 của Công ty kho vận Miền Nam thì Công ty kho vận Miền Nam có ký hợp đồng đại lý mua bán cước giữ chỗ vận tải hàng không số 11C7/01-05/HĐGNVCNT-QT ngày 01-01-2005 với Công ty TNHH thương mại dịch vụ C&I. Thực hiện hợp đồng trên, ngày 08-8-2005 Công ty TNHH thương mại dịch vụ C&I có mua chỗ vận chuyển lô hàng qua hãng hàng không Philippine Airlines thông qua Công ty kho vận Miền Nam, số lượng lô hàng là 5.000kg từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Los Angeles, Không vận đơn số 079-2818047-1. Tổng số tiền cước của lô hàng là 15.500USD. Lô hàng đã khởi hành tại sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 09-8-2005 và đến sân bay Los Angeles vào ngày 18-8-2005 (10 ngày) đúng theo cam kết thời gian giao hàng nói trên.
Tuy nhiên, khi gởi lô hàng qua hãng hàng không Philippine Airlines, Công ty TNHH Cargo & International service Trading đã gởi kèm bộ chứng từ gồm: Không vận đơn (AWB), danh mục hàng hóa (Packing list), Hóa đơn (Invoice), Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), hạn ngạch (Visa) bản gốc thay vì phải gởi chứng từ bằng đường bưu điện và đã không khai báo việc gởi chứng từ với Công ty kho vận Miền Nam và hãng hàng không. Khi lô hàng đến Los Angeles đã bị thất lạc bộ chứng từ trên. Vì vậy khách hàng không nhận được hàng và phải chờ làm lại Visa và các chứng từ khác cho đến ngày 02-9-2005 khách hàng mới nhận được hàng (trễ 16 ngày).
Lô hàng trên Công ty TNHH thương mại dịch vụ C&I đã thanh toán cho Công ty kho vận Miền Nam 7.500USD, hiện còn nợ 7.500USD chưa thanh toán. Khi Công ty kho vận Miền Nam yêu cầu Công ty TNHH thương mại dịch vụ C&I trả tiền cước vận chuyển trên, phía Công ty TNHH thương mại dịch vụ C&I có văn bản viện dẫn do việc giao hàng trễ nên đã bị khách hàng của Công ty TNHH thương mại dịch vụ C&I trừ 60% tiền cước vận chuyển là 9.540USD và đề nghị Công ty kho vận Miền Nam chia sẻ 50% là 4.770USD. Do đó, Công ty TNHH thương mại dịch vụ C&I tiếp tục trả cho Công ty kho vận Miền Nam số tiền 2.980USD. Hiện còn nợ 4.770USD chưa thanh toán.
Do nhiều lần đôn đốc trả nợ nhưng Công ty TNHH thương mại dịch vụ C&I không trả nợ tiền cước vận chuyển nên Công ty kho vận Miền Nam làm đơn khởi kiện yêu cầu Công ty TNHH thương mại dịch vụ C&I phải trả nợ tiền cước vận chuyển còn nợ là 4.770USD tương đương với số tiền 74.189.800 đồng.
Ý kiến của Công ty TNHH thương mại dịch vụ C&I: Do hãng hàng không Philipine không giao được bộ chứng từ gốc cho khách hàng để nhận hàng, sau đó chúng tôi phải làm lại bộ chứng từ, đến ngày 2-9-2005 mới hoàn tất và khách hàng mới nhận hàng. Do hàng giao bị trễ 16 ngày nên khách hàng đã trừ chúng tôi 60% trị giá cước tương đương 9.540 USD. Chúng tôi xác nhận còn nợ của Công ty kho vận Miền Nam số tiền cước 74.189.800 đồng. Tuy nhiên, chúng tôi có yêu cầu phản tố đòi Công ty kho vận Miền Nam bồi thường thiệt hại số tiền là 9.540 USD, do hãng hàng không Philipine làm mất bộ chứng từ hàng hóa.
Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức cho các bên đương sự hòa giải để giải quyết tranh chấp trên, nhưng do các bên không thống nhất với nhau về cách giải quyết tranh chấp bằng hòa giải nên Tòa án đã lập biên bản hòa giải không thành và đưa vụ án ra xét xử theo luật định.
Tại phiên Tòa ngày hôm nay :
Ý kiến của nguyên đơn (Công ty kho vận Miền Nam): Chúng tôi yêu cầu Công ty TNHH thương mại dịch vụ C&I phải trả nợ tiền cước vận chuyển còn nợ là 4.770USD tương đương với số tiền 74.189.800 đồng.
Ý kiến của bị đơn (Công ty TNHH thương mại dịch vụ C&I): Chúng tôi xác nhận còn nợ tiền cước vận chuyển của Công ty kho vận Miền Nam là 74.189.800 đồng. Tuy nhiên, chúng tôi có yêu cầu phản kiện đòi Công ty kho vận Miền Nam bồi thường thiệt hại cho Công ty TNHH thương mại dịch vụ C&I số tiền thiệt hại là 9.540 USD tương đương với 148.379.600 đồng, do hãng hàng không Philipine làm mất bộ chứng từ hàng hóa nên lô hàng giao cho khách hàng tại Los Angeles chậm mất 16 ngày.
Ý kiến của Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư phân tích vụ kiện và cho rằng căn cứ vào điểm 2, khoản III.1, điều III của hợp đồng và căn cứ vào khoản 2, điều 61 Luật Hàng không dân dụng năm 1991 đề nghị Hội đồng xét xử châp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn, buộc bị đơn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho nguyên đơn.
XÉT THẤY
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên Tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên Tòa, Hội đồng xét xử có nhận định:
Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp: Xét bị đơn là Công ty TNHH thương mại dịch vụ C&I có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh, khi có tranh chấp phát sinh trong việc thực hiện hợp đồng vận chuyển, căn cứ điểm a, khoản 1, điều 35 Bộ Luật tố tụng dân sự thẩm quyền giải quyết tranh chấp trên thuộc Tòa án nhân dân TP.Hồ Chí Minh.
Về thời hiệu khởi kiện: Xét trong việc thực hiện hợp đồng đại lý mua bán cước giữ chỗ vận tải hàng không số 11C7/01-05/HĐGNVCNT-QT ngày 01-01-2005, sau khi giao hàng vào ngày 09-8-2005 và do bị đơn trả tiền cước đúng hạn, nên ngày 10-02-2006 Công ty kho vận Miền Nam đã làm đơn khởi kiện. Căn cứ vào khoản 3, điều 159 Bộ Luật tố tụng dân sự thì đơn khởi kiện của nguyên đơn nằm trong thời hiệu khởi kiện.
Căn cứ vào các chứng cứ có trong hồ sơ và lời khai nhận của các bên đương sự có cơ sở xác định Công ty kho vận Miền Nam và Công ty TNHH thương mại dịch vụ C&I có ký hợp đồng đại lý mua bán cước giữ chỗ vận tải hàng không số 11C7/01-05/HĐGNVCNT-QT ngày 01-01-2005. Hợp đồng trên đã được đại diện có thẩm quyền của hai bên ký kết phù hợp với đăng ký kinh doanh của các bên nên có giá trị pháp lý ràng buộc các bên thực hiện hợp đồng.
Xét việc Công ty kho vận Miền Nam yêu cầu Công ty TNHH thương mại dịch vụ C&I phải trả tiền cước là 4.770USD tương đương số tiền 74.189.800 đồng. Hội đồng xét xử có nhận định như sau :
Xét tại phiên Tòa bị đơn là Công ty TNHH thương mại dịch vụ C&I xác nhận còn nợ nguyên đơn số tiền trên, nên Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc bị đơn là Công ty TNHH thương mại dịch vụ C&I phải trả cho nguyên đơn số tiền là 74.189.800 đồng.
Xét việc bị đơn là Công ty TNHH thương mại dịch vụ C&I yêu cầu phản kiện đòi Công ty kho vận Miền Nam phải bồi thường thiệt hại số tiền là 148.379.600 đồng, do hãng hàng không Philipine làm mất bộ chứng từ hàng hóa dẫn đến việc giao hàng chậm trễ 16 ngày. Hội đồng xét xử có nhận định như sau:
Căn cứ vào khoản III.1, điều III của hợp đồng đại lý mua bán cước giữ chỗ vận tải hàng không số 11C7/01-05/HĐGNVCNT-QT ngày 01-01-2005 quy định Trách nhiệm và quyền hạn của bên A (Công ty TNHH thương mại dịch vụ C&I) như sau: “Bên A chịu trách nhiệm thanh toán đầy đủ tiền cước vận chuyển các lô hàng cho bên B theo đúng thời hạn đã quy định trong hợp đồng (nêu tại điều II.2). Bên A chịu trách nhiệm về hàng hóa, nếu có tổn thất xảy ra thì khiếu nại trực tiếp với hãng hàng không”. Do đó, khi có tranh chấp trong việc thất lạc bộ chứng từ hàng hóa, dẫn đến việc không giao cho khách hàng tại Los Angeles đúng hạn; căn cứ vào khoản III.1, điều III của hợp đồng đại lý mua bán cước giữ chỗ vận tải hàng không số 11C7/01-05/HĐGNVCNT-QT ngày 01-01-2005, Công ty TNHH thương mại dịch vụ C&I có trách nhiệm khiếu nại trực tiếp với Philippine Airlines để đòi bồi thường do việc thất lạc bộ chứng từ hàng hóa. Việc Công ty TNHH thương mại dịch vụ C&I khởi kiện Công ty kho vận Miền Nam để đòi bồi thường thiệt hại là không có cơ sở. Do đó, Hội đồng xét xử bác yêu cầu Công ty TNHH thương mại dịch vụ C&I trong việc đòi Công ty kho vận Miền Nam phải bồi thường thiệt hại số tiền là 148.379.600 đồng, do hãng hàng không Philippine làm mất bộ chứng từ hàng hóa dẫn đến việc giao hàng chậm trễ 16 ngày.
Về các tranh chấp phát sinh giữa Công ty TNHH thương mại dịch vụ C&I với hãng hàng không Philippine Airlines và Công ty kho vận Miền Nam, nếu có, các bên tự giải quyết, nếu không giải quyết được các bên có thể khởi kiện bằng một vụ kiện khác.
Về ý kiến của Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn căn cứ vào điểm 2, khoản III.1, điều III của hợp đồng và căn cứ vào khoản 2, điều 61 Luật Hàng không dân dụng năm 1991 đề đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu bị đơn. Hội đồng xét xử có nhận định như sau: Tại điểm 2, khoản III.1, điều III của hợp đồng quy định trách nhiệm của bên A (bị đơn) phải hoàn tất thủ tục Hải quan và đảm bảo hàng hóa sẳn sàng giao cho hãng hàng không do bên B (nguyên đơn) chỉ định để vận chuyển theo kế hoạch. Tại khoản 2, điều 61 Luật Hàng không dân dụng năm 1991 quy định: “trách nhiệm của người gởi hàng (bị đơn) có nghĩa vụ giao vận đơn và cung cấp cho người vận chuyển (hãng hàng không Philippin) giấy tờ, tài liệu và thông tin cần thiết khác về hàng hóa” chứ không nêu trách nhiệm của bên đặt chỗ là Công ty kho vận Miền Nam. Do đó, không có cơ sở để Hội đồng xét xử chấp nhận đề nghị của Luật sư.
Về án phí: Căn cứ Nghị định số 70/CP ngày 12-6-1997 của Chính phủ quy định về án phí và lệ phí Tòa án:
Công ty TNHH thương mại dịch vụ C&I phải chịu án phí trên số tiền 222.569.200 đồng (74.189.800 đồng + 148.379.600 đồng = 222.569.200 đồng) Tiền án phí là 9.677.000 đồng, nộp tại Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh. Sau khi cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 3.540.000 đồng theo biên lai thu tiền số 002179 ngày 08-6-2006 của Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh thì Công ty TNHH thương mại dịch vụ C&I còn phải nộp số tiền là số tiền là 6.137.000 đồng.
Hoàn trả cho Công ty kho vận Miền Nam số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 1.854.745 đồng theo biên lai thu tiền số 001582 ngày 20-3-2006 của Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh.
Vì các lẽ trên ;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm a, khoản 1, điều 35 Bộ Luật tố tụng dân sự;
Căn cứ vào khoản 3, điều 159 Bộ Luật tố tụng dân sự;
Căn cứ vào điều 233 Luật Thương mại năm 1997;
Căn cứ vào thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19-6-1997 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản;
Căn cứ Nghị định số 70/CP ngày 12-6-1997 của Chính phủ quy định về án phí và lệ phí Tòa án;
1. Chấp nhận yêu cầu của Công ty kho vận Miền Nam, buộc Công ty TNHH thương mại dịch vụ C&I phải trả cho Công ty kho vận Miền Nam số tiền là 74.189.800 đồng.
2. Bác yêu cầu của Công ty TNHH thương mại dịch vụ C&I trong việc đòi Công ty kho vận Miền Nam phải bồi thường thiệt hại cho Công ty TNHH thương mại dịch vụ C&I số tiền là 148.379.600 đồng, do hãng hàng không Philippine làm mất bộ chứng từ hàng hóa dẫn đến việc giao hàng chậm trễ 16 ngày.
3. Về án phí :
a) Công ty TNHH thương mại dịch vụ C&I phải chịu án phí là 9.677.000 đồng, nộp tại Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh. Sau khi cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 3.540.000 đồng theo biên lai thu tiền số 002179 ngày 08-6-2006 của Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh thì Công ty TNHH thương mại dịch vụ C&I còn phải nộp số tiền là số tiền là 6.137.000 đồng.
b) Hoàn trả cho Công ty kho vận Miền Nam số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 1.854.745 đồng theo biên lai thu tiền số 001582 ngày 20-3-2006 của Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, hoặc kể từ ngày có đơn xin thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hằng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước qui định tương ứng với thời gian chưa thi hành án .
3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Tòa tuyên án, các bên đương sự có quyền kháng cáo bản án này lên Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao./.
|