Công ty có được bắt buộc nhân viên là người khuyết tật tăng ca?

Chủ đề   RSS   
  • #610699 18/04/2024

    Công ty có được bắt buộc nhân viên là người khuyết tật tăng ca?

    Công ty có được bắt buộc nhân viên là người khuyết tật tăng ca? Sử dụng lao động là người khuyết tật cần lưu ý điều gì? Người lao động là người khuyết tật có quyền gì?

    1. Công ty có được bắt buộc nhân viên là ?

    Căn cứ Điều 160 Bộ luật Lao động 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng lao động là người khuyết tật, cụ thể:

    - Sử dụng người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, trừ trường hợp người lao động là người khuyết tật đồng ý.

    - Sử dụng người lao động là người khuyết tật làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành mà không có sự đồng ý của người khuyết tật sau khi đã được người sử dụng lao động cung cấp đầy đủ thông tin về công việc đó.

    Như vậy, trừ trường hợp người lao động là người khuyết tật đồng ý, người sử dụng lao động không được yêu cầu người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.

    2. Sử dụng lao động là người khuyết tật cần lưu ý điều gì?

    Căn cứ Điều 159 Bộ luật Lao động 2019 quy định về việc sử dụng lao động là người khuyết tật, theo đó:

    - Người sử dụng lao động phải bảo đảm về điều kiện lao động, công cụ lao động, an toàn, vệ sinh lao động và tổ chức khám sức khỏe định kỳ phù hợp với người lao động là người khuyết tật.

    - Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của người lao động là người khuyết tật khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của họ.

    Như vậy, người sử dụng lao động cần lưu ý khi sử dụng lao động là người khuyết tật.

    3. Người lao động là người khuyết tật có những quyền gì?

    Căn cứ khoản 1 Điều 5 Bộ luật Lao động 2019 quy định về quyền của người lao động. Theo đó, người lao động có các quyền sau đây:

    - Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

    - Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể.

    - Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động.

    - Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc.

    - Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

    - Đình công.

    - Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

    Ngoài ra, căn cứ Điều 158 Bộ luật Lao động 2019, Nhà nước bảo trợ quyền lao động, tự tạo việc làm của người lao động là người khuyết tật; có chính sách khuyến khích, ưu đãi phù hợp đối với người sử dụng lao động trong tạo việc làm và nhận người lao động là người khuyết tật vào làm việc theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.

    Như vậy, người lao động là người khuyết tật có đầy đủ quyền lợi theo quy định của pháp luật.

     
    133 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận