Công ty chứng khoán được thực hiện hoạt động môi giới chứng khoán không? Trách nhiệm của công ty chứng khoán khi thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán được quy định như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này.
Công ty chứng khoán được thực hiện hoạt động môi giới chứng khoán không?
Nghiệp vụ kinh doanh của công ty chứng khoán được quy định tại Điều 72 Luật Chứng khoán 2019 như sau:
(1) Công ty chứng khoán được cấp phép thực hiện một, một số hoặc toàn bộ nghiệp vụ kinh doanh sau đây:
- Môi giới chứng khoán;
- Tự doanh chứng khoán;
- Bảo lãnh phát hành chứng khoán;
- Tư vấn đầu tư chứng khoán.
(2) Công ty chứng khoán chỉ được cấp phép thực hiện nghiệp vụ tự doanh chứng khoán khi được cấp phép thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán.
(3) Công ty chứng khoán chỉ được cấp phép thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán khi được cấp phép thực hiện nghiệp vụ tự doanh chứng khoán.
Như vậy, công ty chứng khoán được thực hiện hoạt động môi giới chứng khoán. Bên cạnh đó, công ty chứng khoán có thể đồng thời thực hiện hoạt động kinh doanh chứng khoán với các hoạt động kinh doanh sau đây:
- Tự doanh chứng khoán;
- Bảo lãnh phát hành chứng khoán;
- Tư vấn đầu tư chứng khoán.
Trách nhiệm của công ty chứng khoán khi thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán được quy định như thế nào?
Trách nhiệm của công ty chứng khoán khi thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán được quy định tại Điều 13 Thông tư 121/2020/TT-BTC, cụ thể như sau:
(1) Công ty chứng khoán phải bố trí người hành nghề chứng khoán làm việc tại các vị trí sau:
- Tư vấn, giải thích hợp đồng và thực hiện các thủ tục mở tài khoản giao dịch chứng khoán cho khách hàng;
- Tư vấn giao dịch chứng khoán cho khách hàng;
- Nhận lệnh, kiểm soát lệnh giao dịch chứng khoán của khách hàng;
- Trưởng các bộ phận liên quan đến nghiệp vụ môi giới chứng khoán.
(2) Công ty chứng khoán phải tuân thủ các quy định về phòng, chống rửa tiền theo các quy định pháp luật hiện hành.
(3) Dữ liệu về tài khoản môi giới của khách hàng mở tài khoản tại công ty chứng khoán phải được quản lý tập trung và phải lưu giữ dự phòng tại địa điểm khác.
(4) Công ty chứng khoán thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán không được:
- Đưa ra ý kiến về việc tăng hay giảm giá chứng khoán mà không có căn cứ để lôi kéo khách hàng tham gia giao dịch;
- Thỏa thuận hoặc đưa ra lãi suất cụ thể hoặc chia sẻ lợi nhuận hoặc thua lỗ với khách hàng để lôi kéo khách hàng tham gia giao dịch;
- Trực tiếp hoặc gián tiếp thiết lập các địa điểm cố định bên ngoài các địa điểm giao dịch đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận để ký hợp đồng mở tài khoản giao dịch với khách hàng, nhận lệnh, thực hiện lệnh giao dịch chứng khoán hoặc thanh toán giao dịch chứng khoán với khách hàng, trừ trường hợp thực hiện giao dịch chứng khoán trực tuyến;
- Nhận lệnh, thanh toán giao dịch với người không phải là người đứng tên tài khoản giao dịch mà không có ủy quyền của người đứng tên tài khoản bằng văn bản;
- Tiết lộ các nội dung đặt lệnh giao dịch của khách hàng hoặc thông tin bí mật khác có được khi thực hiện giao dịch cho khách hàng mà không phải để công bố thông tin hoặc theo yêu cầu thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật;
- Sử dụng tên hoặc tài khoản của khách hàng để đăng ký, giao dịch chứng khoán;
- Xâm phạm tài sản, quyền và lợi ích khác của khách hàng.
Tóm lại: Công ty chứng khoán được thực hiện hoạt động môi giới chứng khoán. Tuy nhiên, khi cung cấp dịch vụ môi giới chứng khoán, công ty chứng khoán phải có trách nhiệm theo quy định nêu trên.