CTCK chờ câu trả lời cuối cùng về thuế VAT
Vì chính sách không rõ ràng, nên cả lý luận (không thu) của CTCK và quan điểm (có thu) của Tổng cục Thuế đều chưa trọn vẹn. Thu hay không thu VAT đang chờ quan điểm từ BTC.
Công ty chứng khoán (CTCK) có bị truy thu thuế VAT đối với dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán hay không vẫn đang là câu hỏi treo lơ lửng trên báo cáo tài chính.
Kể từ khi Báo ĐTCK có bài phản ánh việc CTCK có nguy cơ bị truy thu thuế VAT đến nay, nhiều cuộc thảo luận giữa các thành viên thị trường, các hiệp hội đã diễn ra với nhiều ý kiến tranh luận đa chiều, nhưng cơ quan có quyền quyết định cuối cùng việc thu hay không thu khoản thuế này là Bộ Tài chính, vẫn chưa có câu trả lời chính thức.
Đầu tuần này, nhóm các CTCK tiếp tục có cuộc thảo luận với dự kiến sẽ viết đơn gửi trực tiếp Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính hỏi việc liên quan đến VAT. Trước đó, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính, là những tổ chức đại diện cho khối CTCK, cho nhà đầu tư, đã có công văn gửi cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Tài chính, phân tích sự bất hợp lý của chính sách thuế VAT với dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán và đề nghị không truy thu các CTCK khoản thuế này. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời và đây là lý do khiến nhóm các CTCK dự kiến sẽ làm thêm một văn bản hỏi Bộ Tài chính cho rõ ngọn ngành.
Các CTCK cho rằng, ngoài những bất cập pháp lý về chính sách thu thuế VAT mà nhiều ý kiến đã phân tích, thì nếu khoản thuế này buộc phải truy thu, sẽ xảy ra một bất cập khác lớn hơn, đó là sự không công bằng với hàng vạn cổ đông hiện hữu của các CTCK. Lợi ích từ dịch vụ này nếu có, các cổ đông cũ (từ năm 2007) đã hưởng, còn thiệt thòi nếu CTCK bị truy thu thuế VAT, các cổ đông hiện hữu là đối tượng phải gánh chịu.
Trong các năm trước, nhất là năm 2007, khi TTCK bùng nổ, dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán được triển khai mạnh mẽ và mang lại nguồn thu hàng chục, hàng trăm tỷ đồng cho các CTCK. Về bản chất, khoản thuế VAT này đánh vào nhà đầu tư, người sử dụng dịch vụ ứng trước tiền bán, tuy nhiên, do không có một hướng dẫn hay quy định cụ thể nào về việc phải nộp thuế VAT, nên đa số CTCK đã không tạm thu từ nhà đầu tư khoản thuế này.
Nay, năm 2011, nếu bị truy thu thuế VAT cả những năm trước đó, thì CTCK buộc phải mang tiền của chính công ty ra nộp. Tiền của công ty là của cổ đông hiện hữu, liệu có công bằng không khi buộc CTCK nộp khoản này trong bối cảnh chính sách pháp lý không rõ ràng, không có một quy định cụ thể nào suốt thời gian qua?
Câu chuyện về thuế VAT với dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán vốn hoàn toàn ngủ yên từ năm 2007 (pháp lý không đề cập cụ thể, cơ quan thuế không động đến, hầu hết CTCK yên tâm là không phải nộp nên đã không tạm thu của nhà đầu tư). Tuy nhiên, khi Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam có công văn hỏi và lãnh đạo Bộ Tài chính có câu trả lời DN này rằng, CTCK phải kê khai và nộp 10% thuế VAT cho dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán, thì câu chuyện trên mới được biết đến trên toàn thị trường.
Điều đáng nói là quan điểm thu khoản thuế này sẽ chính thức bị xóa bỏ kể từ ngày 1/7/2011, khi Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành, cho phép CTCK được nhận ủy thác quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán của NĐT cá nhân, cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính và các dịch vụ tài chính khác theo quy định của Bộ Tài chính.
Các chuyên gia cho rằng, một chính sách thuế không còn tồn tại từ 1/7/2011, rõ ràng không nên áp dụng để truy thu trong những năm trước đó, nhất là khi các điều khoản viện dẫn để truy thu còn nhiều tranh cãi và không thuyết phục. Trong công văn trả lời Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Bộ Tài chính đã tham chiếu Khoản 19, Điều 6, Luật Chứng khoán 2006, trong khi không tham chiếu Điều 60 tại Luật, quy định nghiệp vụ kinh doanh của CTCK trong đó có việc cho phép CTCK ngoài nghiệp vụ kinh doanh chính, còn được thực hiện các nghiệp vụ tư vấn tài chính và các dịch vụ tài chính khác.
Theo các CTCK, các nghiệp vụ kinh doanh mới là đối tượng chịu thuế VAT, còn dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán không phải là đối tượng này. Ngay cả khi coi dịch vụ này như hoạt động tín dụng thì hoạt động tín dụng tại ngân hàng cũng không phải chịu thuế VAT.
Vì chính sách không rõ ràng, nên cả lý luận (không thu) của CTCK và quan điểm (có thu) của Tổng cục Thuế đều chưa trọn vẹn. Thu hay không thu khoản thuế trên đang chờ quan điểm từ Bộ Tài chính. Điều mà thị trường mong đợi là một câu trả lời rõ ràng, công khai trên cơ sở thấu hiểu ý kiến từ các thành viên và thấu hiểu thực trạng thị trường hiện tại. Trước nỗi lo của các CTCK, nỗi lo của hàng vạn cổ đông các công ty này, Bộ Tài chính nên sớm có câu trả lời cuối cùng để tránh tình trạng rủi ro pháp lý thêm một lần nữa xảy ra trên TTCK Việt Nam.
Theo Tường Vi
Đầu tư chứng khoán
Cung cấp dịch vụ Đào tạo kế toán trưởng, dịch vụ tư vấn thuế, dịch vụ Setup hệ thống kế toán cho DN
Dịch vụ soát xét hóa đơn, chứng từ, sổ sách trước khi Quyết toán thuế.
Liên hệ: Ms Vân 0969.790.185/ Zalo: 0969.790.185/ Skype:van_kttc