Công khai ngân sách nhà nước là công khai những thông tin nào?

Chủ đề   RSS   
  • #604945 23/08/2023

    Công khai ngân sách nhà nước là công khai những thông tin nào?

    Ngày 21/12/2016 Chính phủ đã ban hành Nghị định 163/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Ngân sách nhà nước. Việc công khai ngân sách Nhà nước có thể được coi là 1 vấn đề được dư luận hết sức quan tâm. Vậy công khai Ngân sách Nhà nước là công khai những thông tin nào?
     
    1. Các nội dung công khai ngân sách nhà nước
     
    Căn cứ khoản 1 Điều 47 Nghị định 163/2016/NĐ-CP, các nội dung công khai ngân sách nhà nước và ngân sách trung ương được quy định như sau:
     
    - Công khai số liệu, thuyết minh dự toán ngân sách nhà nước trình Quốc hội, dự toán ngân sách nhà nước được Quốc hội quyết định; quyết toán ngân sách nhà nước được Quốc hội phê chuẩn; gồm:
     
    + Cân đối thu, chi ngân sách nhà nước;
     
    + Thu ngân sách nhà nước theo lĩnh vực và theo từng loại thuế;
     
    + Chi ngân sách nhà nước, trong đó chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi trả nợ lãi, chi viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách;
     
    + Bội chi ngân sách nhà nước; tổng mức vay của ngân sách nhà nước, bao gồm vay bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách nhà nước;
     
    + Chi ngân sách trung ương theo từng lĩnh vực; tổng số và chi tiết theo từng lĩnh vực chi ngân sách trung ương cho từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương; chi ngân sách trung ương cho các chương trình mục tiêu quốc gia;
     
    + Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách địa phương, số bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
     
    - Công khai số liệu, thuyết minh tình hình thực hiện dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, bao gồm cân đối thu, chi ngân sách nhà nước, thu ngân sách nhà nước theo từng lĩnh vực, chi ngân sách nhà nước chi tiết theo chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên.
     
    2. Các đối tượng phải thực hiện công khai ngân sách nhà nước
     
    Theo khoản 1 Điều 46 Nghị định 163/2016/NĐ-CP, các đối tượng phải thực hiện công khai ngân sách bao gồm:
     
    - Các cấp ngân sách nhà nước;
     
    - Đơn vị dự toán ngân sách;
     
    - Tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ;
     
    - Chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
     
    Trong đó, các đối tượng phải công khai thủ tục ngân sách nhà nước gồm: Cơ quan thu, cơ quan tài chính và Kho bạc Nhà nước.
     
    3. Thời điểm công khai ngân sách nhà nước
     
    Theo Điều 6 Thông tư 343/2016/TT-BTC, thời điểm công khai ngân sách nhà nước được xác định như sau:
     
    - Báo cáo dự toán ngân sách nhà nước trình Quốc hội phải được công khai chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày Chính phủ gửi đại biểu Quốc hội.
     
    - Báo cáo dự toán ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định, quyết toán ngân sách nhà nước đã được Quốc hội phê chuẩn phải được công khai chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày văn bản được ban hành.
     
    - Báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước hằng quý, 06 tháng phải được công khai chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày kết thúc quý và 06 tháng.
     
    - Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước hằng năm được công khai khi Chính phủ trình Quốc hội.
     
    Như vậy có thể hiểu công khai ngân sách nhà nước là việc công khai toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định. Công khai ngân sách nhà nước nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm chế độ quản lý tài chính, bảo đảm sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
     
     
    504 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận