Công điện 18/CĐ-TTg: Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay

Chủ đề   RSS   
  • #609069 05/03/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 25600
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 516 lần
    SMod

    Công điện 18/CĐ-TTg: Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay

    Ngày 05/03/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện 18/CĐ-TTg về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024. Trong đó có đề cập đến việc tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Cụ thể về nội dung của Công điện như sau.

    Công điện nêu rõ năm 2024 là năm đóng vai trò then chốt trong việc hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực dự báo còn nhiều biến động khó lường, cùng với ảnh hưởng dai dẳng của đại dịch COVID-19. Đối với tình hình trong nước, tuy có những cơ hội và thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức vẫn chiếm ưu thế. Đặc biệt là áp lực lạm phát cao, hoạt động sản xuất kinh doanh ở một số ngành còn gặp nhiều trở ngại. Mặt bằng lãi suất cho vay tuy đã giảm nhưng chưa tương xứng với mức giảm của lãi suất huy động, dẫn đến tăng trưởng tín dụng 02 tháng đầu năm 2024 thấp hơn so với cuối năm 2023. 

    Nhằm nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đưa ra yêu cầu:

    (1) Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan

    Khẩn trương rà soát toàn diện kết quả cấp tín dụng: 

    - Đánh giá hiệu quả cấp tín dụng cho từng ngành, lĩnh vực và từng tổ chức tín dụng. 

    - Dựa trên kết quả rà soát này, xây dựng những đề xuất, biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng và lãi suất năm 2024 hiệu quả, khả thi và kịp thời. 

    - Đảm bảo cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng ách tắc, chậm trễ hay không đúng thời điểm.

    - Trường hợp có nội dung vượt thẩm quyền, phải thực hiện báo cáo ngay cho cấp có thẩm quyền theo quy định. Đồng thời, phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành chính sách tiền tệ và tăng trưởng tín dụng. 

    Theo dõi sát diễn biến kinh tế và điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt: 

    - Phân tích tình hình kinh tế thế giới và trong nước để đưa ra các biện pháp điều hành kịp thời và hiệu quả. 

    - Điều hành lãi suất và tỷ giá linh hoạt, hài hòa, hợp lý, bảo đảm diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ thực hiện theo đúng nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Trong đó, ưu tiên việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. 

    - Đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng để có thể thực hiện được các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra trong năm 2024.

    Giảm mặt bằng lãi suất cho vay và tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng: 

    - Thực hiện các giải pháp để giảm lãi suất cho vay. 

    - Tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân và doanh nghiệp.

    - Đảm bảo cung cấp đủ vốn tín dụng, ngoại tệ lành mạnh cho các nhu cầu chính đáng của nền kinh tế. 

    Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng: 

    - Tập trung dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, quan trọng và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. 

    - Nghiêm cấm việc cấp tín dụng sai quy định, không đúng đối tượng, việc cấp tín dụng cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan của các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, doanh nghiệp sân sau… với lãi suất ưu đãi trong khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu chính đáng, hợp pháp lại gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, ngoại tệ.

    - Thực hiện các công cụ kiểm soát lạm phát và giảm thiểu nợ xấu cho các tổ chức tín dụng. 

    (2) Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các tổ chức tín dụng thực hiện

    Giảm mặt bằng lãi suất cho vay: 

    - Theo đó, Công điện nêu rõ việc bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay (tiết giảm chi phí; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…).

    - Đồng thời phải công khai lãi suất cho vay bình quân để người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận tín dụng và lựa chọn ngân hàng phù hợp. 

    - Triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi cho các lĩnh vực quan trọng và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. 

    - Phát huy vai trò tiên phong của các tổ chức tín dụng kinh doanh hiệu quả và các tổ chức tín dụng nhà nước. 

    - Tăng cường trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh trong việc chia sẻ, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. 

    Hướng nguồn vốn tín dụng hiệu quả: 

    - Tiếp tục ưu tiên các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. 

    - Đồng thời, kết hợp kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn và hiệu quả. 

    Tăng cường công tác thông tin truyền thông: trong việc hướng dẫn khách hàng và đối tượng thụ hưởng tiếp cận chính sách. Công tác truyền thông phải rõ ràng, đầy đủ, minh bạch và chính xác về các chính sách, sản phẩm, dịch vụ tín dụng, ngoại hối đến công chúng. 

    Ngoài ra, tại Công điện cũng nêu rõ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái được giao nhiệm vụ theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra và đôn đốc xử lý theo thẩm quyền. 

    Văn phòng Chính phủ có nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc theo chức năng, thẩm quyền được giao và báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

     
    212 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận