Công chứng giấy ủy quyền lĩnh thay bảo hiểm xã hội một lần cần lưu ý điều gì?

Chủ đề   RSS   
  • #604165 21/07/2023

    Công chứng giấy ủy quyền lĩnh thay bảo hiểm xã hội một lần cần lưu ý điều gì?

    Hiện nay, để nhờ người khác lĩnh thay bảo hiểm xã hội một lần, người dân cần làm thủ tục công chứng giấy ủy quyền như thế nào?

    Thủ tục lĩnh thay bảo hiểm xã hội một lần theo quy định hiện nay

    Căn cứ vào Phụ lục B - Nội dung cụ thể của từng thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định 222/QĐ-BHXH năm 2021 công bố thủ tục hành chính được thay thế, bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

    Theo thủ tục quy định tại mục 9 của Phụ lục B - Thủ tục Giải quyết hưởng BHXH một lần về cách thức thực hiện, khi nhận kết quả, người lao động nhận:

    - Hồ sơ giấy tờ liên quan: theo hình thức đã đăng ký (Trực tiếp tại cơ quan BHXH hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc qua giao dịch điện tử);

    - Tiền trợ cấp:

    + Trực tiếp tại cơ quan BHXH hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc thông qua tài khoản cá nhân; 

    + Trường hợp ủy quyền cho người khác lĩnh thay, thực hiện theo quy định tại thủ tục “ủy quyền lĩnh thay các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp” hoặc bản chính Hợp đồng ủy quyền theo quy định của pháp luật.

    Theo đó, đối với thủ tục nhận chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, người nhận BHXH một lần được quyền ủy quyền cho người khác lĩnh thay, khi ấy, người nhận thực hiện theo quy định tại thủ tục “ủy quyền lĩnh thay các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp” hoặc người lĩnh thay nộp kèm theo hồ sơ nhận BHXH một lần bản chính Hợp đồng ủy quyền theo quy định của pháp luật.

    Đối với thủ tục ủy quyền lĩnh thay các chế độ BHXH, theo thủ tục quy định tại mục 2 của Phụ lục B -  Thủ tục ủy quyền lĩnh thay các chế độ BHXH tại bước hồ sơ:

    Đối với nhận chế độ BHXH một lần: Người được ủy quyền nộp Giấy ủy quyền (mẫu số 13-HSB) hoặc Hợp đồng ủy quyền cho cơ quan BHXH hoặc cơ quan Bưu điện nơi chi trả; xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh; nhận tiền và ký nhận tiền trên Danh sách chi trả hoặc Giấy nhận tiền.

    Như vậy, để ủy quyền người khác lĩnh thay khi rút BHXH một lần, hồ sơ cần một trong hai giấy tờ sau: Giấy ủy quyền theo mẫu số 13-HSB ban hành kèm theo Quyết định 222/QĐ-BHXH năm 2021 hoặc Hợp đồng ủy quyền.

    Theo quy định Điều 562 Bộ luật dân sự 2015 về hợp đồng ủy quyền, theo đó: Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

    Theo quy định trên, hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, nên cần có chữ ký của cả hai bên trên hợp đồng ủy quyền.

    Như vậy, để nhờ người khác lĩnh thay chế độ BHXH một lần, người ủy quyền không được tự làm giấy ủy quyền mà phải làm Giấy ủy quyền theo mẫu số 13-HSB ban hành kèm theo Quyết định 222/QĐ-BHXH năm 2021, trong trường hợp không có Giấy ủy quyền này thì cần có Hợp đồng ủy quyền có chữ ký của hai bên.

    Trong trường hợp mà người ủy quyền đã lập Giấy ủy quyền theo mẫu số 13-HSB ban hành kèm theo Quyết định 222/QĐ-BHXH năm 2021 và thực hiện chứng thực theo hướng dẫn tại mẫu giấy này thì người ủy quyền đã làm đúng thủ tục quy định, lúc này, người nhận ủy quyền cầm theo Giấy ủy quyền đến Bưu điện chi trả và xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh là được giải quyết thủ tục. Nếu Bưu điện từ chối giải quyết, người nhận ủy quyền có quyền yêu cầu bưu điện đưa ra cơ sở pháp lý cụ thể vì sao lại từ chối hồ sơ này.

    Trong trường hợp người ủy quyền không lập Giấy ủy quyền theo mẫu số 13-HSB ban hành kèm theo Quyết định 222/QĐ-BHXH năm 2021 mà lập mẫu Giấy ủy quyền tự mình soạn hoặc do Văn phòng công chứng soạn thì giấy ủy quyền này không hợp lệ và cơ quan bảo hiểm có quyền từ chối giấy ủy quyền này. Trong trường hợp này, bên ủy quyền và bên nhận uỷ quyền có thể giao kết Hợp đồng ủy quyền theo quy định pháp luật để bổ sung hồ sơ và làm tiếp thủ tục.

    Thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền trong trường hợp hai bên hợp đồng không thể cùng đến một Văn phòng công chứng.

    Theo quy định tại Điều 55 Luật Công chứng 2014, khi hai bên công chứng hợp đồng ủy quyền, ta thực hiện theo quy định sau: 

    - Khi công chứng các hợp đồng ủy quyền, công chứng viên có trách nhiệm kiểm tra kỹ hồ sơ, giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của các bên và hậu quả pháp lý của việc ủy quyền đó cho các bên tham gia.

    - Trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền.

    Theo quy định trên, người ủy quyền có thể đến Văn phòng công chứng nơi người ủy quyền đang cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền, sau đó gửi hợp đồng ủy quyền đã công chứng đó về cho người nhận ủy quyền và người nhận ủy quyền mang hợp đồng đó đến Văn phòng công chứng nơi người nhận ủy quyền cư trú để thực hiện công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này. Sau khi hoàn tất thủ tục công chứng, hợp đồng ủy quyền đã có đủ chữ ký của cả hai thì người nhận ủy quyền liên hệ cơ quan bảo hiểm để nộp hồ sơ.

     
    808 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận