Cụ thế thế này: em đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường trực thuộc UBND cấp huyện để làm thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận), đã có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.
Đến lúc này mới là điều đáng nói. Đại diện của VPĐKQSDĐ cho rằng phải có chứng nhận đã đăng tin báo mất lên phương tiện thông tin đại chúng (đài truyền hình hoặc báo giấy), trong khi họ không viện dẫn ra được điều, khoản, điểm nào của văn bản quy phạm pháp luật nào quy định phải đăng trên phương tiện thông tin đại chúng như vậy.
Cá nhân em thì cho rằng, việc đăng thông tin như thế là quyền lựa chọn của nhân dân, và thực tế thì nếu có mất mà ai đó nhặt được thì họ cũng tìm đến địa chỉ mà đem trả thôi còn đã không trả thì đăng tải đến mấy cũng thế cả. Giá của 3 lần đăng liên tiếp rơi vào khoảng 250k/bản tin x 3 = 750.000đ (cho đến hơn 1 triệu đồng).
Thực ra theo như quy định tại Nghị định số 88/2009/NĐ-CP về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trường hợp của em chỉ cần có "giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc đã niêm yết thông báo mất giấy tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã."
Điều em muốn hỏi ở đây như sau:
1. Nhân viên thuộc VPĐKQSDĐ là cán bộ, công chức (để có Luật Cán bộ, công chức), hay là viên chức (để có Luật Viên chức)? [đó là nhân viên trực tiếp ngồi ở bàn phụ trách phường mà trên Giấy chứng nhận bị mất của nhà em nằm tại đó, và cả văn phòng này thì gồm có 5, 6 nhân viên, mỗi người phụ trách vài phường].
2. Nếu đúng là họ tự nghĩ ra quy định trái pháp luật (trái với Nghị định 88) như vậy thì chả lẽ chỉ nhắc nhở, khiển trách, kiểm điểm (nếu có) theo luật công chức, viên chức thôi mà không đền bù cho thiệt hại về thời gian chờ đợi và hệ lụy của người đi khiếu nại à?