Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy nghĩa là gì? Con có quyền và nghĩa vụ gì đối với cha mẹ?

Chủ đề   RSS   
  • #616821 26/09/2024

    Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy nghĩa là gì? Con có quyền và nghĩa vụ gì đối với cha mẹ?

    Câu tục ngữ "Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy" có ý nghĩa gì? Theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì trách nhiệm và bổn phận của con cái đối với cha mẹ là gì?

    Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy nghĩa là gì? 

    "Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy" là câu tục ngữ trở thành kim chỉ nam đạo đức trong mỗi con người. Đây là lời nhắc nhở về đạo hiếu của con người với ba người có công lớn trong cuộc đời.

    Công cha: Chỉ công lao to lớn, vất vả làm lụng của người cha. Cha không chỉ là người nuôi nấng con cái khôn lớn mà còn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con cái.

    Nghĩa mẹ: Diễn tả tình yêu thương sâu sắc, lo lắng, quan tâm đến từng miếng ăn, giấc ngủ của con, người đã hy sinh cả cuộc đời để nuôi dưỡng con cái trưởng thành.

    Ơn thầy: Nhắc đến công ơn dạy dỗ, thầy cô không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn dạy chúng ta cách làm người.

    Câu tục ngữ "Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy" không chỉ là một lời nhắc nhở mà còn là một lời động viên. Nó khơi gợi trong mỗi người lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã dành cả cuộc đời để yêu thương và chăm sóc mình. Đồng thời, câu tục ngữ cũng là một lời nhắc nhở về trách nhiệm của mỗi người đối với gia đình và xã hội.

    Vận dụng câu tục ngữ trên với các quy định pháp luật thì với bổn phận của một người con, con cái phải có nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ. Cụ thể như sau:

    Con có quyền và nghĩa vụ gì đối với cha mẹ?

    Tại Điều 70 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về quyền và nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ như sau:

    - Được cha mẹ thương yêu, tôn trọng, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản theo quy định của pháp luật; được học tập và giáo dục; được phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức.

    - Có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.

    - Con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì có quyền sống chung với cha mẹ, được cha mẹ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc.

    Con chưa thành niên tham gia công việc gia đình phù hợp với lứa tuổi và không trái với quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

    - Con đã thành niên có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, nơi cư trú, học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội theo nguyện vọng và khả năng của mình.

    Khi sống cùng với cha mẹ, con có nghĩa vụ tham gia công việc gia đình, lao động, sản xuất, tạo thu nhập nhằm bảo đảm đời sống chung của gia đình; đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình phù hợp với khả năng của mình.

    - Được hưởng quyền về tài sản tương xứng với công sức đóng góp vào tài sản của gia đình.

    Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 còn quy định con cái có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.

    Con cái ngược đãi cha mẹ bị phạt hành chính bao nhiêu?

    Tại Điều 53 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình như sau:

    - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

    + Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;

    + Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, yếu, khuyết tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.

    - Biện pháp khắc phục hậu quả:

    Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều 53 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

    Tại Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định về mức phạt tiền như sau:

    Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định 144/2021/NĐ-CP là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

    Như vậy, con cái có hành vi ngược đãi cha mẹ có thể bị phạt hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

    Bên cạnh đó còn bị buộc xin lỗi công khai khi cha mẹ có yêu cầu đối với hành vi người đãi cha mẹ.

    Theo đó, câu tục ngữ "Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy" là câu tục ngữ muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của gia đình và giáo dục trong cuộc sống của mỗi người. Con cái phải biết yêu thương, kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng, đặc biệt khi cha mẹ già yếu, bệnh tật. Đồng thời nỗ lực học tập, rèn luyện để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

     
    532 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận