Ngày 09/8/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định 3354/QĐ-UBND về việc công bố dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn Thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.
Công bố dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn Thị trấn Mường Lát, Thanh Hoá
Theo đó, tại Điều 1 Quyết định 3354/QĐ-UBND ngày 09/8/2024 đã công bố dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn Thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa như sau:
(1) Tên dịch bệnh: Bạch hầu.
(2) Thời gian xảy ra dịch: Từ ngày 05/8/2024 (thời điểm xác định trường hợp đầu tiên mắc bệnh bạch hầu tại Thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa).
(3) Địa điểm và quy mô xảy ra dịch: Thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.
(4) Nguyên nhân: Do vi khuẩn bạch hầu.
(5) Tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch: Bệnh truyền nhiễm nhóm B, là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
(6) Đường lây: Lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
(7) Các biện pháp phòng, chống dịch:
- Thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch.
- Khai báo, báo cáo dịch.
- Tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh.
- Tổ chức cách ly y tế.
- Vệ sinh tiệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch.
- Các biện pháp bảo vệ cá nhân.
- Các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch.
- Huy động, trưng dụng nguồn lực cho hoạt động phòng chống dịch.
(8) Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc tiếp nhận, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm:
Các cơ sở y tế từ tuyến xã, Bệnh viện đa khoa huyện Mường Lát, Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi và các Bệnh viện tuyến Trung ương kịp thời tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân.
Như vậy, hiện nay tại địa bàn thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đã được xác định xảy ra dịch bệnh bạch hầu - bệnh truyền nhiễm nhóm B, là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Xem toàn văn Quyết định 3354/QĐ-UBND ngày 09/8/2024: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/8/13/quyet-dinh-3354-qd-ubnd-thanh-hoa-2024-cong-bo-dich-benh-bach-hau-tren-dia-ban-thi-tran-muong-lat.pdf
Bệnh truyền nhiễm nhóm B là gì?
Theo Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 được bổ sung bởi Điều 1 Quyết định 740/QĐ-BYT năm 2016 đã phân loại bệnh truyền nhiễm thành 3 nhóm là nhóm A, nhóm B, nhóm C. Trong đó, nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B bao gồm:
- Bệnh do vi rút A-đê-nô (Adeno);
- Bệnh do vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS);
- Bệnh bạch hầu;
- Bệnh cúm;
- Bệnh dại;
- Bệnh ho gà;
- Bệnh lao phổi;
- Bệnh do liên cầu lợn ở người;
- Bệnh lỵ A-míp (Amibe);
- Bệnh lỵ trực trùng;
- Bệnh quai bị;
- Bệnh sốt Đăng gơ (Dengue), sốt xuất huyết Đăng gơ (Dengue);
- Bệnh sốt rét;
- Bệnh sốt phát ban;
- Bệnh sởi;
- Bệnh tay-chân-miệng;
- Bệnh than;
- Bệnh thủy đậu;
- Bệnh thương hàn;
- Bệnh uốn ván;
- Bệnh Ru-bê-ôn (Rubeon);
- Bệnh viêm gan vi rút;
- Bệnh viêm màng não do não mô cầu;
- Bệnh viêm não vi rút;
- Bệnh xoắn khuẩn vàng da;
- Bệnh tiêu chảy do vi rút Rô-ta (Rota);
- Bệnh do vi rút Zika.
Như vậy, bệnh truyền nhiễm nhóm B là các bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Trong đó, có bệnh bạch hầu.
Hành vi nào bị nghiêm cấm trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm?
Theo Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm bao gồm:
- Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
- Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
- Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
- Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.
- Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.
- Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.
- Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Theo đó, trong công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh bạch hầu nói riêng thì cần tuân thủ theo quy định pháp luật và không thực hiện những hành vi bị cấm theo quy định trên.
Xem thêm:
Ghi nhận 3 tỉnh có trường hợp mắc bệnh bạch hầu cho đến hiện tại
Trẻ em bao nhiêu tuổi thì có thể tiêm vắc xin ngừa bệnh bạch hầu? Người lớn có tiêm không?
Bệnh bạch hầu là bệnh gì? Dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh bệnh bạch hầu?