Con riêng có được mang họ của cha dượng không?

Chủ đề   RSS   
  • #611450 11/05/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 29461
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 630 lần
    SMod

    Con riêng có được mang họ của cha dượng không?

    Đặt trường hợp mẹ đơn thân cưới chồng và muốn đổi họ cho con sang họ của người cha dượng thì phải làm như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

    Con riêng có được mang họ của cha dượng không?

    Căn cứ theo Điều 27 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp như sau: 

    - Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại. 

    - Thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi. 

    - Khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ cho người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ.

     - Thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con khi xác định cha, mẹ cho con. 

    - Thay đổi họ của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình. 

    - Thay đổi họ theo họ của vợ, họ của chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại họ trước khi thay đổi. 

    - Thay đổi họ của con khi cha, mẹ thay đổi họ. 

    - Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định. 

    Đồng thời, tại đây cũng nêu rõ việc thay đổi họ cho người từ đủ 09 tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó. Việc thay đổi họ của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ cũ.

    Từ dẫn chiếu quy định nêu trên, có thể thấy, mặc dù việc thay đổi họ cho con riêng sang họ của cha dượng không được quy định trong pháp luật hiện hành nhưng tại đây vẫn có thể áp dụng trường hợp thay đổi họ cho người con từ họ của mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi. Theo đó, người cha dượng trong trường hợp này trước tiên phải nhận người con riêng làm con nuôi và sau đó thì làm thủ tục đổi họ. 

    Điều kiện nhận con nuôi trong trường hợp này bao gồm những gì?

    Theo quy định tại Luật nuôi con nuôi 2010, trường hợp muốn đổi họ cho người con riêng thành họ của cha dượng thì người được nhận làm con nuôi dưới 18 tuổi và người nhận con nuôi phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có tư cách đạo đức tốt.

    Bên cạnh đó, tại Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010 còn quy định về những người sau đây không được nhận con nuôi, cụ thể:

    - Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

    - Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh.

    - Đang chấp hành hình phạt tù.

    - Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

    Theo đó, nếu như đáp ứng được đầy đủ những điều kiện như đã nêu trên thì người cha dượng trong trường hợp này có nhận con riêng của vợ làm con nuôi, sau đó tiến hành thủ tục đổi họ theo quy định của pháp luật.

    Thủ tục đổi họ cho con nuôi trong trường hợp này như thế nào?

    Trước tiên, cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm những giấy tờ như sau:

    - Giấy khai sinh của con nuôi.

    - Giấy chứng nhận nuôi con nuôi. 

    - Các giấy tờ khác liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi họ, tên của con nuôi.

    Theo đó, căn cứ theo Điều 28 Luật Hộ tịch 2014 quy định về thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch thì thủ tục đổi họ cho con sẽ thực hiện theo trình tự như sau:

    - Bước 01: Người yêu cầu thay đổi họ cho trẻ nộp tờ khai và giấy tờ như đã nêu trên cho cơ quan đăng ký hộ tịch. 

    - Bước 02: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ cơ quan quản lý hộ tịch kiểm tra cơ sở thay đổi họ cho trẻ và ghi vào Sổ hộ tịch và cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu. 

    Trường hợp đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì UBND cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến UBND nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch. 

    Trường hợp nơi đăng ký hộ tịch trước đây là Cơ quan đại diện thì UBND cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Bộ Ngoại giao để chuyển đến Cơ quan đại diện ghi vào Sổ hộ tịch.

     
    495 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận