Con rể con dâu có được chia thừa kế?

Chủ đề   RSS   
  • #613848 09/07/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 494 lần


    Con rể con dâu có được chia thừa kế?

    Người xưa có câu: Dâu là con, rể là khách. Vậy thì con rể, con dâu có được chia thừa kế do cha mẹ chồng, cha mẹ vợ để lại hay không?

    Theo quy định của pháp luật, việc chia thừa kế hiện nay có 02 hình thức đó là: chia thừa kế theo di chúc và chia thừa kế theo pháp luật. Do vậy, chúng ta sẽ xét trong 02 trường hợp này, liệu có trường hợp nào con rể, con dâu được chia thừa kế do cha mẹ chồng, cha mẹ vợ để lại không nhé!

    (1) Trường hợp chia thừa kế theo pháp luật

    Theo quy định tại Điều 650 Bộ Luật Dân sự 2015, việc chia thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

    -  Không có di chúc;

    - Di chúc không hợp pháp;

    - Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

    - Những người được chỉ định

    Khi này, di sản của người quá cố sẽ được chia theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

    Cụ thể, theo quy định tại Điều 651 Bộ Luật Dân sự 2015, những người nằm trong hàng thừa kế theo pháp luật bao gồm:

    - Hàng thừa kế thứ nhất gồm có: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người mất

     - Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông, bà nội/ngoại, anh, chị, em ruột, cháu ruột nếu người mất là ông, bà nội/ngoại. 

    - Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại, cô, dì, chú, bác ruột của người mất; cháu ruột nếu người mất là cô, dì, chú, bác ruột; chắt ruột nếu người mất là cụ nội, cụ ngoại.

    Như vậy, có thể thấy, con rể và con dâu không thuộc những người thừa kế theo pháp luật.

    Chính vì vậy, nếu thuộc trường hợp chia di sản thừa kế theo pháp luật, con rể sẽ không được hưởng di sản do cha mẹ vợ để lại, tương tự con dâu sẽ không được hưởng di sản do cha mẹ chồng để lại.

    (2) Trường hợp chia di sản thừa kế theo di chúc

    Theo quy định tại Điều 624 Bộ Luật Dân sự 2015, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

    Do đó, khi một người qua đời mà có để lại di chúc để phân chia quyền thừa kế di sản của mình thì sẽ việc chia thừa kế được ưu tiên thực hiện theo di chúc. Tuy nhiên, di chúc đó phải được lập theo đúng quy định của pháp luật thì mới được công nhận là di chúc hợp pháp và có hiệu lực. 

    Cụ thể theo quy định tại Điều 630 Bộ Luật Dân sự 2015, di chúc được lập bằng hình thức văn bản của một người bình thường được xem là hợp pháp nếu đáp ứng các điều kiện sau:

    - Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;

    - Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

    - Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ 02 điều kiện được nêu ở trên

    Ngoài ra, nếu lập di chúc miệng thì di chúc được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. 

    Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

    Nếu việc lập di chúc được thực hiện đúng theo quy định nêu trên thì di chúc được xem là hợp pháp. 

    Do đó, trường hợp di chúc hợp pháp đó của cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng có phần ý chí thể hiện việc mong muốn để lại di sản cho con rể, con dâu thừa kế, quản lý thì lúc này, con rể, con dâu sẽ được thừa kế phần di sản đó.

    Tổng kết lại, trường hợp cha mẹ vợ, cha mẹ chồng có di chúc để lại tài sản cho con rể hoặc con dâu thì con rể và con dâu sẽ được hưởng phần di sản được chia trong di chúc.

    Trường hợp, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng có để lại di chúc nhưng không thể hiện việc chia thừa kế cho con rể, con dâu hoặc không để lại di chúc và di sản được chia thừa kế theo pháp luật thì con rể, con dâu sẽ không được chia thừa kế.

     
    788 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận