Con dấu DN: Để những cải cách không bị vô hiệu hóa

Chủ đề   RSS   
  • #381769 05/05/2015

    nguyenanh1292
    Top 25
    Female
    Dân Luật bậc 1

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:23/04/2014
    Tổng số bài viết (3079)
    Số điểm: 68071
    Cảm ơn: 576
    Được cảm ơn 4262 lần


    Con dấu DN: Để những cải cách không bị vô hiệu hóa

    Các Bộ, ngành chỉ cần sửa thông tư công bố bộ thủ tục hành chính, trong đó kèm điều kiện các hồ sơ, giấy tờ phải được đóng dấu là ý tưởng cải cách về con dấu sẽ vô hiệu…

    Với mục đích tạo hành lang pháp lý ngày càng thông thoáng hơn cho nhà đầu tư, Luật Doanh nghiệp (DN) 2014 được thông qua đã có những sửa đổi mang tính đột phá nhằm khắc phục những hạn chế trong quy định về con dấu DN đã tồn tại gần chục năm qua.

    Theo đó, kể từ ngày 1/7/2015, khi Luật DN 2014 có hiệu lực thì ngoài những trường hợp xác định tại khoản 4 Điều 44 thì các trường hợp còn lại DN có quyền tự định đoạt, sử dụng hoặc không sử dụng con dấu của mình trên văn bản, giấy tờ mà DN ban hành hay ký kết. Trong những trường hợp như vậy, con dấu chỉ có thể xem như một dấu hiệu, biểu trưng cho DN (tương tự như logo, slogan) để DN thể hiện hình ảnh của mình. Quy định này đặt nền móng nhằm tiến tới việc loại bỏ hoàn toàn giá trị pháp lý của con dấu theo thông lệ pháp luật của nhiều nước trên thế giới.

    Thủ tục đăng ký con dấu của DN với cơ quan Nhà nước cũng rút gọn, đơn giản hơn nhiều so với quy định của Luật DN 2005.

    Bên cạnh những sửa đổi, bổ sung rất hợp lý về  Điều 44 Luật DN 2014, nghiên cứu về Điều 44 Luật DN 2014 vẫn còn những “khoảng trống” chưa rõ trong quy định cần có sự hướng dẫn cụ thể để áp dụng thống nhất trong thực tiễn.

    Những “khoảng trống” cần làm rõ 

    Thứ nhất, khoản 1 Điều 44 Luật DN 2014 quy định quyền tự chủ của DN về số lượng, kích thước, nội dung con dấu. Quy định như vậy được hiểu quyền tự chủ của DN ở đây sẽ phát sinh chỉ khi DN có con dấu? Trường hợp DN không có con dấu thì như thế nào? Thực tế, các quy định hiện hành không rõ về vấn đề này. DN được làm những gì pháp luật không cấm và chỉ phải làm những gì mà luật quy định bắt buộc phải thực hiện. Điều này đồng nghĩa với việc DN không có con dấu thì cũng không vi phạm pháp luật?

    Tuy nhiên nếu kết hợp với khoản 4 Điều 44 Luật DN 2014 thì lại có sự mâu thuẫn. Theo đó, khoản 4 Điều 44 Luật DN 2014, DN phải có con dấu để sử dụng trong những trường hợp pháp luật có quy định hoặc hai bên có thỏa thuận. Vì thế, cần có hướng dẫn thống nhất về việc DN có bắt buộc phải có con dấu hay không?

    Thứ hai, hiện nay, về hoạt động khắc dấu, cấp dấu, đổi dấu… của DN không chỉ được Luật DN 2005 và các văn bản hướng dẫn Luật DN 2005 điều chỉnh mà còn chịu sự tác động của các văn bản do Bộ Công an ban hành.

    Đơn cử văn bản mới nhất là Thông tư số 21/2012/TT-BCA ngày 15/2/2012 của Bộ Công an có hiệu lực từ 6/6/2012 quy định về con dấu của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước. Nhằm tránh gây ra nhiều cách hiểu về nội dung cần có của con dấu, đồng thời nhằm mục đích phát huy quyền chủ động của DN khi quyết định hình thức, số lượng con dấu thì Nghị định hướng dẫn Luật DN 2014 cần có quy định về loại bỏ sự tác động của các văn bản của các cơ quan liên quan xung đột đối với quyền tự quyết này của DN.

    Thứ ba, Khoản 4 Điều 44 cũng là một nội dung cần phải bàn luận. Theo tinh thần của điều luật, người áp dụng luật có thể hiểu luật đưa ra hai trường hợp mà DN được sử dụng con dấu. Theo tác giả, nhà làm luật dùng cụm từ “con dấu được sử dụng” trong trường hợp này là không phù hợp với nội hàm của điều luật. Thông thường từ “được” trong các quy phạm pháp luật dùng để cho phép một hoặc nhiều chủ thể của quan hệ pháp luật được quyền làm một việc gì/không phải làm một việc gì đó với mục đích loại trừ nghĩa vụ của chủ thể trong những sự kiện pháp lý do luật dự liệu.

    Nhưng ở khoản 4 Điều 44 thì từ “được” ở đây được sử dụng như một nghĩa vụ đối với DN phải sử dụng con dấu khi có quy định của pháp luật hoặc khi các bên giao dịch có thỏa thuận. Đó là sự không chuẩn xác trong kỹ thuật sử dụng từ ngữ của nhà làm luật. Từ sự không chuẩn xác này, dẫn đến việc DN cho rằng đã là quyền của mình thì có thể sử dụng quyền hoặc không sử dụng quyền mà không vi phạm pháp luật. Trong khi đó, theo tác giả, tư tưởng của nhà làm luật khi quy định khoản 4 trong mối liên hệ với các khoản khác của Điều 44 mang nội hàm là một chế tài, thể hiện tính cưỡng chế, yêu cầu DN phải thực hiện nghĩa vụ sử dụng con dấu trong hai trường hợp như Luật dự liệu chứ không phải để DN có quyền tự quyết định.

    Do đó thay vì quy định “Con dấu được sử dụng trong các trường hợp…” thì nên quy định “DN phải sử dụng con dấu trong các trường hợp…”. Vì thế, đây cũng là nội dung mà Nghị định cần phải có điều khoản hướng dẫn rõ ràng khi Luật đã được ban hành.

    Thứ tư là giá trị pháp lý của con dấu. Như đã nói ở trên, Luật DN 2014 không có bất kỳ một quy định nào khẳng định giá trị pháp lý của con dấu trong hoạt động của DN, cũng không quy định đây là một yếu tố để xem xét hiệu lực pháp lý của văn bản, tài liệu đại diện cho DN. Khi đọc khoản 4 Điều 44 Luật DN 2014 ngay lập tức, người nghiên cứu, chủ thể vận dụng có thể xác định có những trường hợp DN phải sử dụng con dấu, có những trường hợp không phải sử dụng.

    Vấn đề là, ý nghĩa của con dấu khi được sử dụng so với ý nghĩa khi không được sử dụng có khác gì nhau không? Trường hợp giống nhau thì tại sao luật lại quy định trường hợp phải sử dụng, trường hợp không cần sử dụng? Trường hợp khi bắt buộc sử dụng mà DN không sử dụng thì hậu quả pháp lý ra sao? Theo tác giả, điều này nghị định cũng nên dự liệu.

    Ngoài ra, Luật DN 2014 quy định sử dụng con dấu trong hai trường hợp nhưng không quy định cụ thể phải sử dụng loại con dấu nào? Đặt ra câu hỏi này vì thực tiễn pháp luật chấp nhận việc sử dụng chữ ký điện tử thay cho chữ ký “tươi” vậy DN có thể sử dụng con dấu điện tử được không? Nếu được sử dụng thì Nghị định cũng cần có quy định thế nào? 

    Tăng quyền tự chủ, nhưng vẫn cần có sự kiểm soát

    Luật DN 2005 quy định việc sử dụng con dấu là bắt buộc đối với các DN. Thực thi quy định này còn nhiều bất cập, nhưng việc quy định không bắt buộc DN sử dụng con dấu cũng sẽ đem lại nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là việc xác minh tính pháp lý của văn bản trong các tranh chấp kinh doanh thương mại khi chữ tín kinh doanh chưa được DN đề cao.

    Để đảm bảo việc sửa đổi quy định về con dấu có tác động tích cực đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam, dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật DN 2014 cần có những hướng dẫn cụ thể để làm sao vẫn tăng quyền tự chủ quyền có con dấu và quản lý, sử dụng con dấu cho DN nhưng vẫn cần có sự kiểm soát của Nhà nước về việc sử dụng con dấu của DN trong một số trường hợp thật sự cần thiết.

    Nhằm phát huy được yếu tố này, dự thảo cần có quy định cụ thể để loại trừ việc cơ quan nhà nước tự quyền quyết định văn bản của DN phải có con dấu trong các hoạt động liên quan giữa cơ quan Nhà nước và DN. Vì nếu chỉ dừng lại quy định như Luật DN 2014 thì sẽ không lấy gì đảm bảo cơ quan Nhà nước từ bỏ việc bắt buộc DN phải đóng dấu. Thậm chí, các Bộ ban ngành chỉ cần sửa Thông tư công bố bộ thủ tục hành chính, trong đó kèm điều kiện các hồ sơ, giấy tờ phải được đóng dấu là ý tưởng cải cách về con dấu sẽ vô hiệu.

    Có thể nói, văn hóa sử dụng con dấu là một hình thức xác minh giá trị văn bản trong tư duy kinh doanh của người Việt Nam nói chung và châu Á nói riêng, dù có được quy định bởi luật pháp hay không. Chẳng hạn, tại Thái Lan, việc sử dụng con dấu là không bắt buộc nhưng trong phần lớn giao dịch, DN vẫn đóng dấu để đảm bảo tính chính thống của văn bản. Vì thế dù có thể bỏ tính pháp lý của con dấu nhưng không nên bỏ quy định DN được quyền có con dấu.

    Nguồn: Chinhphu.vn

    Cập nhật bởi nguyenanh1292 ngày 05/05/2015 08:03:40 SA
     
    4574 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn nguyenanh1292 vì bài viết hữu ích
    dadang (05/05/2015)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận