"Con dại cái mang"- Con gây thiệt hại cha mẹ có phải bồi thường không ?

Chủ đề   RSS   
  • #609846 22/03/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 494 lần


    "Con dại cái mang"- Con gây thiệt hại cha mẹ có phải bồi thường không ?

    Ngày nay có lẽ nhiều người không quá xa lạ với câu nói “con nít thì biết gì?”. Thực tế, có nhiều tình huống xảy ra khi con trẻ nghịch ngợm, gây thiệt hại cho người khác. Khi rơi vào tình huống như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ thuộc về ai?

    (1) “Con dại cái mang” trong cuộc sống và pháp luật

    “Con dại cái mang” là câu tục ngữ của ông bà ta, ý nghĩa cùa câu tục ngữ này là con cái có những hành vi sai trái thì cha mẹ là người gánh những hậu quả mà con gây ra.

    Khi còn là một đứa con nít, có đôi lần mình cũng quá khích, bày những trò nghịch ngợm, quậy phá.Hậu quả của những lần quá khích như thế là lúc thì rơi vỡ đồ thủy tinh, lúc thì làm phiền tới hàng xóm xung quanh. Tuy nhiên, kết quả chung của những lần đó đều là cha mẹ đứng ra xin lỗi, giải quyết hoặc bồi thường. Những lúc vậy mình thường được nghe cha mẹ nói câu “con dại cái mang”. 

    Khi đã trưởng thành và có hiểu biết về pháp luật, biết rõ hành vi của mình gây ra thì phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Dưới góc độ pháp lý câu nói “con dại cái mang” của ông cha ta ngày xưa, liệu có phải tất cả những cái “dại” của con cái, cha mẹ đều phải “mang” không?

    (2) Trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi nào?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 584 Bộ Luật Dân sự 2015, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi:

    - Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ khi có quy định khác

    - Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, hoặc trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

    - Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.

    (3) Trách nhiệm bồi thường của cha mẹ khi con gây thiệt hại

    Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do con gây ra được quy định tại Điều 74 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: “Cha mẹ phải bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự gây ra”

    Các điều khoản bồi thường thiệt hại được quy định chi tiết hơn ở Điều 586 Bộ Luật Dân sự 2015 như sau:

    - Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu

    - Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

    - Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

    Như vậy, đúng với tinh thần của câu tục ngữ “con dại cái mang”, cha mẹ (hoặc người giám hộ) phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do con mình gây ra khi con chưa thành niên, dưới 15 tuổi hoặc liên đới chịu trách nhiệm bồi thường nếu con từ đủ 15 tuổi đên chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại.

    Cha mẹ luôn là người đầu tiên và sẵn sàng che chở cho con cái, có lẽ vì thế, đặc điểm tình mẫu tử thiêng liêng này cũng được áp dụng vào trong pháp luật.

     
    1215 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn motchutmoingay24 vì bài viết hữu ích
    motchutmoingay24 (23/03/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận