CÓ TỊCH THU GIẤY PHÉP KINH DOANH KHÔNG ?

Chủ đề   RSS   
  • #300162 01/12/2013

    luatnvs1

    Male
    Chồi

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:23/11/2013
    Tổng số bài viết (114)
    Số điểm: 1141
    Cảm ơn: 15
    Được cảm ơn 18 lần


    CÓ TỊCH THU GIẤY PHÉP KINH DOANH KHÔNG ?

     

    Vụ việc:

    Công ty Honda Việt Nam sở hữu KDCN đối với các loại xe máy, trong đó có KDCN đã được cấp bằng độc quyền số 4306.

    Công ty Li đã đưa ra thị trường loại xe máy có các chi tiết nhựa gồm mặt nạ, cặp cánh yếm trái và phải, chắn bùn trước, cặp ốp giảm sóc trước trái và phải, cặp ốp lườn trái và phải, cốp xe, đèn sau, chắn bùn sau, mu rùa, ốp nhựa giữa yếm, cặp ốp sườn trái và phải. Các chi tiết này tạo thành xe có kiểu dáng trùng với KDCN đã được cấp bằng độc quyền số 4306. Vụ vi phạm có nhiều tình tiết đáng lưu ý như hành vi có tính chất, quy mô lớn, có tổ chức, khép kín từ sản xuất, lắp ráp đến lưu thông trên thị trường. Đây là lần thứ 3 trong thời gian gần 1 năm, Công ty Li có hành vi vi phạm hành chính về SHCN. Hai lần trước đó Công ty này đã bị xử phạt.

    Sau khi xem xét hành vi vi phạm và các tình tiết tăng nặng, UBND tỉnh Đồng Nai đã phạt Công ty Li 75 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh trong thời hạn 9 tháng, buộc tháo dỡ, tịch thu và tiêu huỷ toàn bộ các chi tiết vi phạm KDCN của Honda được lắp trên 72 chiếc xe máy của Công ty Li.
     

    Lời bình của Luật sư:

    1. Công ty Li đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN chưa hết thời hạn 1 năm, nay lại tiếp tục vi phạm. Hành vi vi phạm lần trước và lần này trong cùng lĩnh vực SHCN. Vì vậy, theo quy định của Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính bị coi là tái phạm. Tái phạm là trường hợp đã bị xử phạt nhưng chưa hết thời hạn 1 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc kể từ ngày hết hiệu lực thi hành của quyết định xử phạt mà lại thực hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực đã bị xử phạt. “Lĩnh vực” quy định tại khoản này được hiểu là các lĩnh vực quản lý nhà nước được quy định tại từng nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính. Tái phạm là một trong các tình tiết tăng nặng. Bên cạnh đó, việc vi phạm của Công ty Li có tính chất, quy mô lớn, có tổ chức. Do hành vi của Công ty Li có nhiều tình tiết tăng nặng nên mức phạt phải cao hơn mức trung bình của khung tiền phạt. Vì vậy, căn cứ Nghị định số 12/1999/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN có hiệu lực vào thời điểm xảy ra vụ việc này, UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định mức phạt 75 triệu đồng là phù hợp.

    2. Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính và Nghị định số 12 quy định, bên cạnh hình thức phạt chính (cảnh cáo hoặc phạt tiền) còn có hình thức phạt bổ sung gồm các hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề và tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm. Trong quyết định xử phạt đối với Công ty Li có kèm theo hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu và tiêu huỷ toàn bộ các chi tiết vi phạm. Việc áp dụng hình thức phạt bổ sung này là hợp lý. Việc tịch thu, tiêu hủy giúp ngăn chặn việc tiếp tục đưa các chi tiết tạo nên KDCN vi phạm trở lại thị trường.

    3. Tuy nhiên, việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh của Công ty Li là cần phải cân nhắc. Mặc dù pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính có quy định việc tước giấy phép kinh doanh, nhưng việc áp dụng hình thức xử phạt này trong từng trường hợp cần thận trọng. Tước giấy phép kinh doanh đồng nghĩa với việc Công ty Li sẽ phải ngừng toàn bộ hoạt động. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của Công ty Li bao gồm nhiều hoạt động trên các lĩnh vực khác nhau. Hoạt động lắp ráp 72 xe gắn máy xâm phạm KDCN chỉ là một trong nhiều hoạt động theo giấy phép kinh doanh của Công ty này.

    Vì vậy, biện pháp xử phạt bổ sung đối với Công ty Li phải là tước quyền hoạt động lắp ráp xe máy ghi trong giấy phép kinh doanh. Như vậy, Công ty Li không được lắp ráp xe máy trong thời hạn nhất định. Các hoạt động khác, trong các lĩnh vực khác không liên quan đến hoạt động vi phạm (lắp ráp xe máy) vẫn được hoạt động.

    4. Để làm rõ nội dung tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề quy định tại Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính, Điều 11 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16.12.2008 quy định về tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề đã chỉ rõ đó là hình thức xử phạt bổ sung, được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính trong trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng quy định sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Giấy phép, chứng chỉ hành nghề là các loại giấy tờ do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền cấp cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật để cho phép tổ chức, cá nhân đó kinh doanh, hoạt động, hành nghề trong một lĩnh vực nhất định hoặc sử dụng một loại công cụ, phương tiện nhất định. Giấy phép, chứng chỉ hành nghề quy định tại Điều này không bao gồm giấy đăng ký kinh doanh, các loại chứng chỉ gắn với nhân thân người được cấp không có mục đích cho phép hành nghề.


    Như vậy, từ sau khi Nghị định số 128/2008/NĐ-CP có hiệu lực, các quyết định xử phạt hành chính trong trường hợp cần áp dụng biện pháp tịch thu giấy phép sẽ không bao gồm việc tịch thu giấy phép kinh doanh.

     

     
    8996 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #300150   01/12/2013

    luatnvs1
    luatnvs1

    Male
    Chồi

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:23/11/2013
    Tổng số bài viết (114)
    Số điểm: 1141
    Cảm ơn: 15
    Được cảm ơn 18 lần


    TRANH CHẤP VÌ CHỮ “A” HAY CHỮ “V”

     

    Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, hiện nay có tới 40.000 nhãn mác sản phẩm đang được sử dụng mà không cần đăng ký. Bởi những nhãn hiệu này không xâm phạm đến quyền lợi của bất kỳ ai. Tuy nhiên, điều này cũng chứa đựng rất nhiều yếu tố rủi ro khi xảy ra tranh chấp.

    Đầu tháng 10/2009, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) phát hiện Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á (ASC) có trụ sở tại Khu công nghiệp Hòa Phú, xã Hòa Phú, thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắc Lắc đã đưa ra thị trường sản phẩm thép thanh vằn từ D10-D14 có nhãn hiệu nổi trên thân thanh thép tương tự nhãn hiệu của VNSteel.

    Có hay không hành vi xâm phạm?

    Ngày 31/10, ông Nguyễn Thành Long, Trưởng chi nhánh Văn phòng Luật sư Phạm và Liên Danh, đại diện cho VNSteel đã có văn bản gửi ASC yêu cầu giải trình. Trong văn bản nêu rõ: gần đây, VNSteel phát hiện ASC sản xuất và phân phối các loại thép có gắn dấu hiệu “A” có thiết kế tương tự với phần hình chữ “V” trên nhãn hiệu đã được bảo hộ cho sản phẩm thép “các loại, kim loại và các hợp kim” của VNSteel theo Văn bằng số 116719 và 116720.

    Về màu sắc có cùng màu đỏ giống với phần hình “V” trên nhãn hiệu theo Văn bằng số 116719 và ASC đã có sử dụng dấu hiệu đó trên bảng hiệu, nhà xưởng, các tài liệu giao dịch, quảng cáo, hóa đơn và các phương tiện kinh doanh khác. Hơn nữa, ASC nộp đơn xin đăng ký nhãn hiệu “A” cũng chứa dấu hiệu trên “A” theo đơn số 4-2008-27389 cho sản phẩm cùng loại, tương tự, liên quan thuộc nhóm 06…

     

    Theo quy định tại Điểm c khoản 1 Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ và điểm a khoản 3 Điều 11 Nghị định số 105/CP: dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ; trong đó một dấu hiệu bị coi là trùng với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có cùng cấu tạo, cách trình bày (kể cả màu sắc); một dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có một số đặc điểm hoàn toàn trùng nhau hoặc tương tự đến mức không dễ dàng phân biệt với nhau về cấu tạo… gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu thì đó là hành vi xâm phạm bản quyền nhãn hiệu hàng hóa.

    Vì vậy, đại diện của VNSteel đã yêu cầu ASC dừng ngay việc sản xuất, buôn bán, phân phối và đưa vào lưu thông những sản phẩm có gắn dấu hiệu “A”. Thống kê số lượng sản phẩm chưa tiêu thụ, các ấn phẩm… có gắn dấu hiệu “A”. Loại bỏ dấu hiệu “A” ra khỏi sản phẩm chưa tiêu thụ, bảng hiệu, nhà xưởng… và các phương tiện kinh doanh khác. Loại bỏ phần hình “A” trên nhãn hiệu “A” mà ASC xin đăng ký theo đơn số 4-2008-27389 cho sản phẩm thuộc nhóm 06. Đồng thời, gửi bản cam kết không vi phạm nhãn hiệu “V” trong vòng 15 ngày.

    Không đồng tình với yêu cầu của đại diện VNSteel, ngày 16/11/2009, trong Công văn số 878-2009/CV-ASC trả lời Chi nhánh Văn phòng Luật sư Phạm và Liên Danh, ông Thăng Danh Hạnh, Giám đốc nhân sự ASC cho rằng: nhãn hiệu “A” mà ASC đang sử dụng là cách điệu của chữ A trong ASC (Asean Steel JSC) khác với nhãn hiệu “V” của VNSteel.

    Hơn nữa, ASC đã tiến hành tham khảo ý kiến của nhiều khách hàng, tất cả đều cho rằng nhãn hiệu của ASC hoàn toàn không giống với nhãn hiệu của VNSteel. Ngoài ra, ASC cũng đã tiến hành nộp đơn xin đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm. Điều này cho thấy ASC hoàn toàn không có hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp của VNSteel.

    Tuy nhiên, với mong muốn hợp tác và giải quyết vụ việc trên cơ sở thỏa thuận giữa hai đơn vị cùng trong ngành thép một cách ổn thỏa, ASC thống nhất sẽ điều chỉnh lại nhãn hiệu của mình.

    Cơ quan chức năng nói gì?

    Mặc dù đã nhận được công văn trả lời của ASC, nhưng dường như không đồng ý với nội dung trả lời của ASC, ngày 3/11, Chi nhánh Văn phòng Luật sư Phạm và Liên Danh đã có văn bản gửi Cục Sở hữu trí tuệ đề nghị xem xét và từ chối bảo hộ đối với nhãn hiệu “A” ASEAN STEEL JSC của ASC vì lý do nhãn hiệu xin đăng ký tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “V” của VNSteel.

    Trao đổi về vấn đề này, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho biết: Cục không phải là cơ quan cho doanh nghiệp này hay doanh nghiệp kia được hay không được phép dùng nhãn hiệu mà là chỉ là cơ quan công nhận quyền sở hữu. Vì vậy, trong quá trình xem xét và thẩm tra hồ sơ thì ASC vẫn được sử dụng nhãn hiệu “A” trên sản phẩm (điều này trong Luật Sở hữu trí tuệ không cấm).

    Tuy nhiên, VNSteel hiện đang là chủ sở hữu hợp pháp của nhãn hiệu “V”, nên việc một công ty khác sử dụng nhãn hiệu tương tự (không có nghĩa là phải giống nhau hoàn toàn) trên sản phẩm mà không được sự cho phép của VNSteel có thể coi đó là hành vi vi phạm. Hơn thế, việc nộp đơn của ASC đến thời điểm này không tạo ra bất cứ một quyền nào về việc sử dụng nhãn hiệu “A” trên sản phẩm của mình. Do đó, khi phát hiện ra việc vi phạm nhãn mác làm ảnh hưởng đến uy tín, VNSteel có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý theo luật.

    Trên thực tế, nhãn hiệu “V” của VNSteel đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 11679 từ năm 2007. Trong khi đó, ngày 26/12/2008, ASC mới có hồ sơ số 4-2008-27389 gửi đến Cục Sở hữu trí tuệ với nhãn hiệu xin đăng ký là “A” ASEAN STEEL J.S.C – Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á – Gửi trọn niềm tin!”

    Đến thời điểm này vẫn chưa có kết luận chính thức từ phía các cơ quan chức năng nhưng có lẽ đã đến lúc các cơ quan hữu quan cần phải có biện pháp quản lý và siết chặt hơn nữa về việc chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa có đặc thù tương tự cho những chủng loại sản phẩm giống nhau, tránh tình trạng tranh chấp về quyền đăng ký.

     

     

     
    Báo quản trị |  
  • #300152   01/12/2013

    luatnvs1
    luatnvs1

    Male
    Chồi

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:23/11/2013
    Tổng số bài viết (114)
    Số điểm: 1141
    Cảm ơn: 15
    Được cảm ơn 18 lần


    CHỦ DOANH NGHIỆP SMARTDOOR KIỆN “AUSTDOOR”

     

    Công ty Cửa cuốn Úc Smartdoor (gọi tắt là Công ty Úc) có đơn gửi Báo CAND về việc, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hưng Phát (gọi tắt là Hưng Phát) vi phạm quyền sở hữu công nghiệp khi sử dụng thanh nhôm định hình trong sản phẩm cửa cuốn Austdoor.

     

    Trong đơn, Công ty Úc cho biết, ngày 15/12/2004, Công ty Tân Trường Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền Kiểu dáng công nghiệp thanh nhôm định hình số 8106.

    Tháng 5/2007, Công ty Tân Trường Sơn ký "Hợp đồng chuyển quyền sử dụng Kiểu dáng công nghiệp thanh nhôm định hình số 8106" cho Công ty Hưng Phát. Thời hạn hợp đồng đến ngày 7/8/2008.

    Ngày 10/11/2008, Công ty Úc ký "Hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng Kiểu dáng công nghiệp số 8106" với Công ty Tân Trường Sơn.

    Hai bên đã tiến hành đăng ký hợp đồng với Cục Sở hữu trí tuệ để xác lập quyền sử dụng hợp pháp với kiểu dáng công nghiệp này và được cấp giấy chứng nhận. Thời hạn sở hữu của Công ty Úc đối với kiểu dáng công nghiệp này từ ngày 18/12/2008 đến 18/12/2009.

    Sau khi được quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp thanh nhôm định hình nêu trên, Công ty Úc lại phát hiện Công ty Hưng Phát vẫn sản xuất sản phẩm cửa cuốn nhãn hiệu Austdoor có sử dụng Kiểu dáng công nghiệp số 8106.

    Ngày 25/11/2008, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14, Chi cục QLTT Hà Nội tạm giữ một xe hàng của Công ty Hưng Phát để xác minh việc vi phạm.

    Ngày 7/1/2009, Cục Sở hữu trí tuệ có công văn trả lời Đội QLTT số 14 về việc mẫu nan nhôm định hình của Công ty Hưng Phát trong lô sản phẩm thu hồi ngày 25/11/2008 vi phạm Kiểu dáng công nghiệp số 8106 đã được đăng ký của Công ty Tân Trường Sơn.

    Tiếp đến, ngày 24/6/2009, Đội QLTT số 17, Chi cục QLTT Hà Nội lại tiếp tục giữ 1 xe hàng của Công ty Hưng Phát.

    Trong Công văn trả lời ngày 30/6/2009, Cục Sở hữu trí tuệ xác nhận, mẫu nan nhôm có trong xe hàng tạm giữ của Công ty Hưng Phát vi phạm Kiểu dáng công nghiệp số 8106.

    Ông Nguyễn Minh Chí, trợ lý Giám đốc, Công ty Hưng Phát cho biết, lượng hàng mà công ty này sản xuất có sử dụng Kiểu dáng công nghiệp số 8106 không tiêu thụ hết trong thời gian hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu với Công ty Tân Trường Sơn còn hiệu lực.

    Chính vì thế, Công ty Hưng Phát đã nhiều lần liên hệ với Công ty Tân Trường Sơn đề nghị gia hạn hợp đồng hoặc cho một khoảng thời gian nhất định để tiêu thụ hết hàng, nhưng chưa nhận được bất cứ thông báo chính thức nào từ phía công ty về việc đồng ý hoặc từ chối ký tiếp phụ lục gia hạn hợp đồng…

    Ngày 1/12/2008, Công ty Tân Trường Sơn gửi Công văn số 112 yêu cầu Công ty Hưng Phát chấm dứt không bán thanh nhôm định hình số 8106 vì hợp đồng đã hết hiệu lực từ ngày 7/8/2008.

    Trong văn bàn này nêu rõ, "kể từ ngày giấy chứng nhận hết hiệu lực cho đến nay, Công ty Hưng Phát vẫn tiếp tục kinh doanh sản phẩm này là cố tình vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ về bản quyền kiểu dáng công nghiệp của chúng tôi". Như vậy là rõ câu trả lời của Công ty Tân Trường Sơn.

    Lý giải về xe hàng mà Đội QLTT số 17 tạm giữ ngày 24/6/2009, ông Chí cho rằng, phía Công ty Úc đã không có khuyến cáo việc Công ty Hưng Phát có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu công nghiệp là sai luật.

    Mãi đến ngày 1/7/2009 (sau khi QLTT giữ hàng 1 tuần), Công ty Úc mới có công văn yêu cầu chấm dứt bán sản phẩm vi phạm bản quyền kiểu dáng công nghiệp cho Công ty Hưng Phát.

    Còn xác nhận của Cục Sở hữu trí tuệ ngày 30/6/2009 về mẫu thanh nhôm trong lô hàng bị Đội QLTT số 17 tạm giữ vi phạm quyền sở hữu công nghiệp là chưa thỏa đáng vì đây là "cơ quan cấp đăng ký quyền sở hữu và cũng là đơn vị giám định".

    Hiện nay, Công ty Hưng Phát đang đề nghị một cơ quan mới thành lập ngày 15/7/2009 giám định cho khách quan.

    Ngoài ra, ông Chí còn cho biết thêm, trong hai mẫu thanh nhôm định hình mà Đội QLTT số 14 tạm giữ ngày 25/11/2008 của Công ty Hưng Phát được gửi đến Cục Sở hữu trí tuệ giám định, mẫu số 1 có "kiểu dáng về tổng thể khác biệt đáng kể với Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ số 8106".

    Vì thế, Chi cục QLTT Hà Nội có "Quyết định chuyển giao hoặc trả lại tang vật, phương tiện" cho Công ty Hưng Phát".

    Có lẽ, cần phải có phiên tòa dân sự để làm rõ ai đúng, ai sai cũng như trách nhiệm đền bù của bên vi phạm. Còn hiện tại, người tiêu dùng lại bị đẩy vào tình thế sử dụng sản phẩm mà không an tâm về xuất xứ, chất lượng.

     

    Đây là 1 bài học điểm hình về tính chất bảo hộ quyền kiểu dáng công nghiệp, bài học cảnh tỉnh cho các cá nhân, doanh nghiệp làm gương để tránh làm theo các đơn vị đã có uy tín, thương hiệu.

     

     

     
    Báo quản trị |  
  • #300163   01/12/2013

    luatnvs1
    luatnvs1

    Male
    Chồi

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:23/11/2013
    Tổng số bài viết (114)
    Số điểm: 1141
    Cảm ơn: 15
    Được cảm ơn 18 lần


    RỐI RẮM THỤ LÝ TRANH CHẤP TÀI SẢN CHUNG ?



    Do vụ án phức tạp nên hai năm sau TAND TP Tân An mới xử sơ thẩm và tuyên bác toàn bộ các yêu cầu của nguyên đơn.


    Theo chỉ đạo, tòa cấp sơ thẩm thụ lý nhưng sau đó tòa cấp phúc thẩm lại hủy án, đình chỉ giải quyết…
    TAND tỉnh Long An vừa tuyên hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ tranh chấp tài sản chung giữa bà M. cùng các nguyên đơn với ông S. vì chưa đủ điều kiện thụ lý vụ án nhưng TAND TP Tân An vẫn nhận đơn giải quyết. Trong vụ này, trước đây tòa án cấp sơ thẩm từng lừng khừng chuyện nhận đơn, còn TAND tỉnh và TAND Tối cao từng chỉ đạo xem xét thụ lý theo đúng quy định.

    Kiện đòi chia thừa kế
    Theo hồ sơ, sau khi cha mẹ chết, năm 1990 bà M. cùng bốn anh chị em khác giao toàn bộ nhà, đất cho người anh là ông S. quản lý, làm nơi thờ cúng.

    Năm 2000, ông S. đi hợp thức hóa nhà, đất rồi bảy năm sau ông chuyển tài sản sang cho hai con gái đứng tên. Tháng 6-2009, bà M. phát hiện nên cùng các anh chị em khác khởi kiện yêu cầu chia thừa kế ngôi nhà cha mẹ để lại. Theo bà, năm 1990, khi giao tài sản cho anh quản lý, người anh soạn sẵn văn bản thể hiện bà và các anh chị em khác khước từ nhận tài sản thừa kế. Vì chuyện đã lỡ nên tất cả cùng ký với điều kiện phải ghi thêm dòng chữ: “Ngôi nhà chỉ dùng để làm nhà thờ, không được bán”. Tuy nhiên, dòng chữ này sau đó bị công chứng viên xóa bỏ. Đây là việc làm khuất tất nên bà khởi kiện đòi lại quyền lợi…


    Tuy nhiên, yêu cầu này bị tòa từ chối giải quyết vì thời hiệu khởi kiện không còn. Đầu năm 2008, anh em bà M. lại khởi kiện yêu cầu tòa hủy bỏ hợp đồng cho tặng nhà giữa ông S. với hai con. Các nguyên đơn (bà M. làm đại diện) cũng nhờ tòa tuyên bố ngôi nhà là tài sản chung của cha mẹ để lại và phải chia đều cho sáu anh chị em.
    Ban đầu TAND thị xã Tân An (nay là TP Tân An) trả lại đơn kiện vì cho rằng không đủ điều kiện thụ lý. Suốt hai năm sau đó, phía nguyên đơn làm nhiều đơn khiếu nại nhưng không có kết quả.

    Bảo nhận đơn rồi lại đình chỉ

    Tháng 11-2009, TAND tỉnh Long An chỉ đạo TAND TP Tân An thụ lý giải quyết vụ án của bà M. vì thấy có cơ sở… Thấy vậy tòa án cấp sơ thẩm đã gọi các đương sự lên và ra quyết định thụ lý vụ án chia tài sản chung. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp nên hai năm sau TAND TP Tân An mới xử sơ thẩm và tuyên bác toàn bộ các yêu cầu của nguyên đơn. Bà M. kháng cáo toàn bộ bản án.

    Tại phiên xử phúc thẩm vừa qua, TAND tỉnh Long An nhận định nguyên đơn dùng giấy cam kết khước từ nhận tài sản thừa kế nêu trên làm cơ sở khởi kiện là chưa đủ điều kiện chứng minh nhà, đất là tài sản chung. Đồng thời, phía bị đơn không cho đây là tài sản chung và giấy cam kết không có đủ chữ ký của tất cả anh em bà M. nên không có sự thỏa thuận của các đồng thừa kế. Mặt khác, các bên tranh chấp không có các loại giấy tờ xác định đây là tài sản của cha mẹ ở thời điểm xác lập bản cam kết. Lẽ ra cấp sơ thẩm phải trả lại đơn kiện, đã thụ lý thì phải đình chỉ giải quyết vụ án mới đúng.

    Cũng theo TAND tỉnh, tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào công văn chỉ đạo của TAND tỉnh và TAND Tối cao để thụ lý nhưng trong công văn chỉ đạo cũng có câu “Thụ lý theo đúng quy định của pháp luật”, nghĩa là pháp luật quy định như thế nào thì phải áp dụng thế ấy. Từ đó tòa tuyên bác kháng cáo của bà M., hủy toàn bộ án sơ thẩm và đình chỉ vụ án do việc thụ lý giải quyết chưa đủ điều kiện. Tòa cũng tuyên trả lại tiền tạm ứng án phí cho nguyên đơn cùng toàn bộ hồ sơ vụ kiện và các tài liệu kèm theo…

     

     

     
    Báo quản trị |  
  • #300164   01/12/2013

    luatnvs1
    luatnvs1

    Male
    Chồi

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:23/11/2013
    Tổng số bài viết (114)
    Số điểm: 1141
    Cảm ơn: 15
    Được cảm ơn 18 lần


    BỊ TÂM THẦN, CHA MẸ CÓ ĐƯỢC THAY MẶT XIN LY HÔN ?

     


    Pháp luật chưa điều chỉnh tình huống nếu vợ hoặc chồng bị tâm thần thì cha, mẹ người bệnh có quyền đại diện đứng đơn xin ly hôn và tham gia tố tụng hay không. Ngành tòa án từ chối giải quyết trong khi thực tế đã xuất hiện không ít trường hợp tương tự…


    Mới đây, TAND một quận tại TP.HCM đã trả đơn trong một vụ xin ly hôn khá lạ: Cha mẹ của một người đàn ông bị tâm thần đề nghị thay mặt con trai đứng đơn khởi kiện và tham gia tố tụng tại tòa nhằm giúp người con dâu được tự do, có cơ hội đi lấy chồng khác.

    Giải thoát cho con dâu

    Người con dâu trong vụ này là chị G. Theo trình bày của chị, vợ chồng chị lấy nhau được hơn 10 năm, có với nhau hai mặt con. Trước đây, chồng chị hoàn toàn bình thường nhưng sau mấy năm đi làm thuê ở một số nơi về thì thấy có dấu hiệu thần kinh không ổn định. Sau đó người chồng đổ bệnh, ốm liền mấy tháng, khi tạm khỏe lại thì đầu óc không còn minh mẫn như trước, suốt ngày tưng tưng, nói năng lảm nhảm.

    Hai năm trước, chị cùng gia đình đưa chồng đến bệnh viện tâm thần khám. Các bác sĩ kết luận chồng chị bị tâm thần nặng. Gần đây, thấy bệnh tâm thần của con trai chữa trị mãi nhưng không hết mà có phần nặng thêm, phía gia đình chồng đã vận động chị G. đứng đơn xin ly hôn để tìm hạnh phúc mới.

    Tuy nhiên, do thương chồng và cũng đã lớn tuổi, chị G. không chịu, quyết định ở vậy chăm sóc chồng và các con. Về phía cha mẹ chồng, vì muốn giải thoát cho con dâu khỏi cảnh khổ nên khi vận động không được, họ đã quyết định thay con trai làm đơn “xin ly hôn giùm”.

    Luật không cho phép đại diện

    Nghiên cứu đơn “xin ly hôn giùm” này, tòa đã giải thích cho cha mẹ chồng chị G. biết là theo Điều 73 Bộ luật Tố tụng dân sự, đối với các vụ án ly hôn không được áp dụng chế độ người đại diện. Tức là phải đích thân chồng hay vợ đứng đơn khởi kiện và tham gia tố tụng chứ không thể nhờ ai thay mặt mình được.

    Cha mẹ chồng chị G. vẫn thắc mắc rằng bản thân con trai họ đang bị bệnh tâm thần, làm sao tỉnh táo được như người bình thường mà khởi kiện hay tham gia tố tụng. Họ thương người con dâu đã bao năm vất vả vì chồng vì con, giờ có chồng mà cũng như không. Họ muốn gánh trách nhiệm lo lắng, chăm sóc, nuôi dưỡng con trai để con dâu có cơ hội đi tìm hạnh phúc mới. Chẳng lẽ người con dâu của họ sẽ phải bị giam hãm cả cuộc đời mình với người chồng tâm thần suốt đời suốt kiếp hay sao?


    Thông cảm với trường hợp này, thấu hiểu tâm tư của cha mẹ chồng chị G. nhưng cuối cùng tòa vẫn phải trả đơn kiện, từ chối giải quyết vụ án.

    Nhiều cách hiểu nhưng vẫn bế tắc

    Chuyện nếu vợ hoặc chồng bị tâm thần thì cha, mẹ người bệnh có quyền đại diện đứng đơn xin ly hôn và tham gia tố tụng hay không, pháp luật chưa điều chỉnh. Tại một hội thảo gần đây, lãnh đạo Tòa Dân sự TAND Tối cao cho biết hiện còn nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này.


    Quan điểm thứ nhất cho rằng cần áp dụng Điều 64 Bộ luật Dân sự để cử cha, mẹ của người bệnh làm người giám hộ. Họ sẽ đại diện cho con đứng đơn kiện và tham gia tố tụng.
    Tuy nhiên, theo Tòa Dân sự TAND Tối cao, việc này trái với Điều 62 Bộ luật Dân sự vì tòa chỉ được cử người giám hộ khi người bệnh chưa có người giám hộ đương nhiên. Trường hợp cụ thể này, người giám hộ đương nhiên theo pháp luật của người bệnh lại chính là vợ hay chồng họ.

    Quan điểm thứ hai lại nói nên áp dụng Điều 75 Bộ luật Tố tụng dân sự để chỉ định cha, mẹ người bệnh làm người giám hộ. Nhưng theo Tòa Dân sự TAND Tối cao, làm vậy cũng không được vì chỉ áp dụng được trong trường hợp tòa đã thụ lý vụ án. Tức là nếu vợ hay chồng của người bệnh đứng đơn khởi kiện xin ly hôn và tòa đã nhận đơn thì tòa mới có quyền chỉ định. Một khi tòa chưa thụ lý đơn thì theo Điều 58, Điều 62 Bộ luật Dân sự, chỉ một người duy nhất có quyền giám hộ cho người bệnh là chồng hay vợ của họ.

    Cũng theo Tòa Dân sự TAND Tối cao, vợ hay chồng của người bệnh chỉ mất quyền giám hộ khi bản thân họ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác (chưa được xóa án tích) hoặc có bản án xác định họ mất năng lực hành vi dân sự. Khi ấy mới có thể công nhận cha, mẹ của người bệnh có quyền giám hộ, quyền đại diện cho người bệnh để khởi kiện xin ly hôn…

     

     

     
    Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn luatnvs1 vì bài viết hữu ích
    hungmaiusa (01/12/2013)
  • #300147   01/12/2013

    luatnvs1
    luatnvs1

    Male
    Chồi

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:23/11/2013
    Tổng số bài viết (114)
    Số điểm: 1141
    Cảm ơn: 15
    Được cảm ơn 18 lần


    GIẢ MẠO “HÌNH THỨC” HAY GIẢ MẠO “NỘI DUNG”

     

     

    Vụ việc

    Ông NK (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), thành lập cơ sở sản xuất nước mắm. Do sinh sau đẻ muộn, lại không có tên tuổi nên cơ sở ít có khách hàng. Thấy mọi người thích các nhãn hiệu phổ biến như Tám Phú, Bốn Phương, Phú Quốc – Thanh Châu…, ông đã thu mua vỏ chai cũ của các cơ sở này về làm sạch rồi bơm nước mắm của mình vào để đem bán. Được một thời gian, ông mua chai mới, in nhãn hàng mới có các dấu hiệu, hình thức hệt như sản phẩm của các cơ sở trên để làm thành các chai nước mắm thành phẩm loại 1 lít và 1/2 lít.

    Công an phát hiện ra các hành vi trên. Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định chất lượng nước mắm do cơ sở của ông K sản xuất. Kết quả giám định ghi nhận: “Sản phẩm không có lạc khuẩn, giới hạn phát hiện nhỏ hơn 0,03 ml, nồng độ đạm ghi trên nhãn mác đúng với độ đạm được xác định ở nước mắm trong chai. Tức là nước mắm của cơ sở ông K hoàn toàn không gây hại đến sức khỏe của người tiêu dùng và đảm bảo như tiêu chuẩn cơ sở đã công bố. Từ lúc bắt đầu thực hiện cho đến khi bị phát hiện, cơ sở của ông NK đã sản xuất khoảng 5.000 lít nước mắm, thu lợi nhuận khoảng 3 triệu đồng.

    Tháng 2.2008, Viện kiểm sát nhân dân huyện Châu Đức đã ra quyết định truy tố ông NK về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm theo khoản 1 Điều 157 Bộ luật Hình sự. Tháng 3.2008, Tòa án nhân dân huyện mở phiên tòa sơ thẩm để xét xử bị cáo NK về tội danh này. Xét thấy hành vi của bị cáo gây thiệt hại không lớn, chất lượng nước mắm do cơ sở của bị cáo sản xuất tương đương với chất lượng nước mắm của các cơ sở mà bị cáo đã làm giả nên Tòa tuyên phạt bị cáo K 2 năm tù . Ông NK đã kháng cáo.

    Lời bình của Luật sư

    1. Hành vi của ông NK là hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm (giả về nội dung hàng hoá) quy định tại khoản 1 Điều 157 hay là hành vi xâm phạm quyền, sản xuất buôn bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu (giả về hình thức hàng hoá) quy định tại Điều 171 của Bộ luật Hình sự?

    Kết quả giám định cho thấy, nước mắm mà ông NK sản xuất và buôn bán: Không có lạc khuẩn, giới hạn phát hiện nhỏ hơn 0,03 ml, nồng độ đạm ghi trên nhãn mác đúng với độ đạm được xác định ở nước mắm trong chai, chất lượng tương đương với chất lượng nước mắm của các cơ sở mà bị cáo đã làm giả – nhận định của Toà. Như vậy, hàng hoá này không phải là không có giá trị sử dụng, hoặc không đúng bản chất của nó là nước mắm. Loại hàng này không có hàm lượng chất phụ gia cao đến mức làm thay đổi bản chất, trở thành loại hàng hoá khác với tên ghi bên ngoài; trong nước mắm này không có các chất lạ để có thể làm thay đổi bản chất của hàng hóa là nước mắm, thành một loại nước khác, và nó đúng là nước mắm như bản chất tự nhiên. Như vậy, nước mắm của ông NK không vi phạm về chất lượng, không phải là hàng giả chất lượng, như quy định của Thông tư liên tịch số 10/2000/TTLT-BTM-BTC-BCA-BKHCNMT ngày 27.4.2000 của Liên bộ Thương mại – Tài chính – Công an – Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Vì vậy, áp dụng Điều 157 Bộ Luật Hình sự để xử lý hành vi của ông NK là không phù hợp.

    2. Ông NK đã sử dụng các dấu hiệu làm nhãn hiệu cho sản phẩm của mình trùng với các nhãn hiệu của người khác đang sử dụng và hàng hoá này cùng loại với hàng hoá của người khác mà không được sự đồng ý của những người này. ở đây cần phân biệt hai tình huống:

    Thứ nhất: Cần làm rõ các dấu hiệu được các cơ sở khác sử dụng làm nhãn hiệu đã được Cục SHTT bảo hộ chưa, có văn bằng không? Nếu các nhãn hiệu này chưa được bảo hộ thì ông NK không có hành vi xâm phạm quyền SHCN của các cơ sở này. Bởi vì một trong các điều kiện để kết luận một hành vi có bị coi là xâm phạm quyền hay không phải là: Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi đối tượng đang được bảo hộ quyền SHCN của người khác.

    Thứ hai: Nếu các nhãn hiệu này đã được bảo hộ thì ông NK đã có hành vi sản xuất, buôn bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu vì đã sử dụng nhãn hiệu trùng với nhãn hiệu đang được bảo hộ cho cùng loại hàng hoá của người khác.
    Nếu đúng như tình huống thứ hai, thì ông NK có bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 171 Bộ luật Hình sự không? Để trả lời câu hỏi này cần xem xét điều kiện để áp dụng Điều 171, đó là: 1) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về SHCN nay tái phạm. Trong trường hợp này, ông NK vi phạm lần đầu; 2) Vi phạm lần đầu nhưng mức độ từ nghiêm trọng trở lên.

    Theo Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-VKSNDTC-BTP-BCA ngày 28.2.2008 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an hướng dẫn về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội kinh doanh hàng hoá giả mạo nhãn hiệu theo Điều 171 Bộ luật Hình sự, điều kiện để đánh giá mức độ gây hậu quả nghiêm trọng phải là: Đã thu được lợi nhuận từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại về vật chất cho chủ sở hữu nhãn hiệu từ 50 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng, hoặc hàng hóa giả mạo có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng.

    Đối chiếu với quy định trên, lợi nhuận thu được do hành vi vi phạm mà có từ khi bắt đầu sản xuất đến khi bị phát hiện của ông NK chỉ là 3 triệu đồng. Như vậy chưa đáp ứng điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự.

    3. Hành vi sản xuất, buôn bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu trong trường hợp này đáng bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 106/2006/NĐ-CP ngày 22.9.2006. Mức tiền phạt căn cứ trên giá trị hàng hoá mang nhãn hiệu của người khác bị phát hiện.

     

     

     
    Báo quản trị |  
  • #300146   01/12/2013

    luatnvs1
    luatnvs1

    Male
    Chồi

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:23/11/2013
    Tổng số bài viết (114)
    Số điểm: 1141
    Cảm ơn: 15
    Được cảm ơn 18 lần


    TRANH CHẤP SỞ HỮU TRÍ TUỆ: TRANH CHẤP NHÃN HIỆU BÁNH TRÁNG

     

    Vụ việc gây nhiều tranh cãi khiến tòa phải hoãn xử nhiều lần. Phía Công ty TG đã xuất trình được hợp đồng để chứng minh mình sản xuất, xuất khẩu bánh tráng mang nhãn hiệu K’ theo đúng yêu cầu của bên mua hàng.

    Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đang chuẩn bị đưa ra xét xử vụ án tranh chấp về nhãn hiệu một mặt hàng bánh tráng ở Tiền Giang.

    Gia công theo kiểu dáng của công ty khác

    Năm 2007, Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp với sản phẩm bánh tráng hiệu K. kèm ảnh cho Công ty TP. Một năm sau, Công ty TP được Cục cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa trên. Để bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa trên thị trường Mỹ, công ty này tiếp tục đăng ký bảo hộ tại Mỹ sản phẩm bánh K. và được bảo hộ nhãn hiệu cùng kiểu dáng công nghiệp.

    Tháng 11-2009, Công ty TP phát hiện trong một số siêu thị ở Mỹ có bày bán mặt hàng bánh tráng hiệu K’ có màu sắc tương tự, khó phân biệt và gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của công ty. Tìm hiểu, Công ty TP biết Công ty TG đã sản xuất số bánh hiệu K’ trên. Qua đối chất, Công ty TG thừa nhận khoảng tháng 9-2009 có xuất sang Mỹ gần 39.000 tấn bánh tráng K’. Nhãn hiệu này do khách hàng bên Mỹ đặt gắn lên bao bì sản phẩm.

    Đầu tháng 12-2009, Công ty TP đã nhờ luật sư ở Mỹ gửi công văn khuyến cáo Công ty TG về hành vi xâm phạm nhãn hiệu. Tháng 2-1010, Công ty TP đã kiện Công ty TG ra TAND tỉnh Tiền Giang để yêu cầu chấm dứt hành vi sản xuất, xuất khẩu loại bánh tráng K’, thu hồi toàn bộ lượng bánh đã xuất khẩu, bán trên thị trường Mỹ.
    Công ty TP còn yêu cầu Công ty TG phải xin lỗi công khai ba kỳ liên tiếp trên ba tờ báo. Đồng thời, Công ty TG phải thanh toán các khoản chi phí cho dịch vụ luật sư, gồm 5.000 USD thuê luật sư ở Mỹ và 60 triệu đồng phí thuê luật sư tại Việt Nam, tổng cộng hơn 153 triệu đồng.

    Thua kiện

    Xử sơ thẩm hồi tháng 5-2010, TAND tỉnh Tiền Giang nhận định việc Công ty TG sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu của Công ty TP đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ về nhãn hiệu trên cùng một loại hàng hóa là vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ. Việc Công ty TG nại rằng thực hiện theo hợp đồng với đối tác nước ngoài nên lỗi vi phạm sở hữu trí tuệ thuộc bên thứ ba là không có cơ sở.

    Đặc biệt, về chi phí luật sư, tòa nhận định việc Công ty TP thuê luật sư tại Mỹ làm văn bản khuyến cáo ngăn chặn Công ty TG sản xuất hàng hóa K’ và chi phí thuê luật sư tại Việt Nam để khởi kiện, bảo vệ quyền lợi là hợp lý và cần thiết. Vì thế cần chấp nhận yêu cầu bồi hoàn phí luật sư của Công ty TG bởi phù hợp quy định theo khoản 3 Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ. Điều này cũng đã có lợi cho phía Công ty TG khi Công ty TP không yêu cầu bồi thường hàng trăm triệu đồng thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần…

    Từ đó, tòa buộc Công ty TG phải chấm dứt hành vi sản xuất, xuất khẩu và thu hồi toàn bộ mặt hàng bánh tráng K’ trên thị trường Mỹ. Ngoài ra, tòa buộc Công ty TG phải công khai xin lỗi trên một tờ báo. Tòa cũng buộc Công ty TG phải bồi hoàn chi phí hạn chế thiệt hại cùng chi phí thuê luật sư tổng cộng hơn 153 triệu đồng.
    Sau phiên xử này, Công ty TG đã kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm hủy án, bác yêu cầu của nguyên đơn.
    Gia công có phải chịu trách nhiệm liên quan?

    Một điểm gây tranh cãi trong vụ án là liệu bên nhận gia công hàng hóa có phải chịu trách nhiệm phát sinh về sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa mà mẫu mã do bên mua đặt gia công hay không.

    Một luật sư phân tích: Theo khoản 5 Điều 181 Luật Thương mại, bên đặt gia công phải chịu trách nhiệm đối với tính hợp pháp về quyền sở hữu trí tuệ của hàng hóa, nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị dùng để gia công chuyển cho bên nhận gia công. Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 46 Luật Thương mại, trường hợp bên mua yêu cầu bên bán phải tuân thủ theo bản vẽ kỹ thuật, thiết kế, công thức hoặc những số liệu chi tiết do bên mua cung cấp thì bên mua phải chịu trách nhiệm về các khiếu nại liên quan đến những vi phạm quyền sở hữu trí tuệ phát sinh từ việc bên bán đã tuân thủ những yêu cầu của bên mua.


    Đối chiếu với trường hợp này, phía Công ty TG đã xuất trình được hợp đồng để chứng minh mình sản xuất, xuất khẩu bánh tráng mang nhãn hiệu K’ theo đúng yêu cầu của bên mua hàng. Vì vậy không có căn cứ buộc công ty này phải xin lỗi cũng như phải trả chi phí hạn chế thiệt hại, chi phí thuê luật sư của nguyên đơn.

     

     

     
    Báo quản trị |  
  • #300145   01/12/2013

    luatnvs1
    luatnvs1

    Male
    Chồi

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:23/11/2013
    Tổng số bài viết (114)
    Số điểm: 1141
    Cảm ơn: 15
    Được cảm ơn 18 lần


    BẢO VỆ QUYỀN KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP: LẠI CHUYỆN … “TƯƠNG TỰ”

     

    Gần đây trên thị trường bánh đậu xanh Hải Dương xuất hiện một loạt bánh của Cty CPTM Rồng vàng Minh Ngọc với kiểu dáng mẫu mã giống hệt kiểu dáng bánh đậu xanh của Cty TNHH Gia Bảo. Điều đáng nói bản quyền về “Hộp đựng bánh” đang được bảo hộ theo Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 8633 của Cty TNHH Gia Bảo.

     

    Có xâm phạm?

    Ngày 10/8/2009 Cục Sở hữu trí tuệ có Quyết định số 1558/QĐ – SHTT về việc huỷ bỏ Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp đối với Cty CP Rồng vàng Minh Ngọc có trụ sở tại km 6, phường Cẩm Thượng, thành phố Hải Dương. Thế nhưng Cty này vẫn tung ra thị trường sản phẩm bánh đậu xanh có hình thức, kiểu dáng mẫu mã tương tự của Cty TNHH Gia Bảo.

    Trên thực tế, kiểu dáng công nghiệp “Hộp đựng bánh” của Cty TNHH Gia Bảo đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp từ tháng 11/ 2005. Trong khi đó tháng 10/ 2007, CTy CP Rồng vàng Minh Ngọc mới có hồ sơ số 3 – 2007 – 00439 gửi đến Cục Sở hữu trí tuệ với nhãn hiệu xin đăng ký là “Cty CP Rồng vàng Minh Ngọc”.

    Ngày 5/12/2009 Cty Luật Sở hữu trí tuệ WINCO đại diện cho Cty TNHH Gia Bảo có Văn bản số 765/CV gửi cho Cty CP Rồng vàng Minh Ngọc yêu cầu giải trình một số việc: Chấm dứt ngay kiểu dáng công nghiệp vi phạm “Hộp đựng bánh” đối với Cty TNHH Gia Bảo; thu hồi toàn bộ sản phẩm bánh đậu xanh mang kiểu dáng công nghiệp vi phạm đang lưu hành trên thị trường và đưa ra phương án xử lý đối với số sản phẩm vi phạm này; có công văn chính thức gửi Cty và cam kết việc này không tái phạm.

     

    Như vậy, thị trường hiện đang tồn tại song song hai loại sản phẩm tuy của hai Cty sản xuất nhưng lại giống nhau về hình thức, mẫu mã đã và đang làm cho người tiêu dùng bị nhầm lẫn về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm… Điều này làm thiệt hại đến lợi ích người tiêu dùng và quyền lợi hợp pháp của Cty TNHH Gia Bảo. Bản Kết luận giám định ngày 4/12/2009 của Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ số KD047 – 09 YC/KLGĐ đã chỉ rõ: “Căn cứ vào các điểm tạo dáng cơ bản (hình khối – đường nét – bố trí tương quan vị trí) của yếu tố bị nghi ngờ trên Đối tượng giám định thể hiện tại tài liệu ảnh chụp kiểu dáng công nghiệp Hộp đựng bánh của Cty CP Rồng vàng Minh Ngọc là yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp Hộp đựng bánh được cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 8632 của Cty TNHH Gia Bảo”.

    Cần có chế tài rõ ràng

    Tại điều 126.1 Luật Sở hữu trí tuệ chỉ rõ: “Hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp… Sử dụng sáng chế được bảo hộ, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó, thiết kế bố trí được bảo hộ hoặc bất kỳ phần nào có tính nguyên gốc của thiết kế bố trí đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu; thì bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp…”

    Hành vi sản xuất sản phẩm có hình dáng bên ngoài là hộp đựng bánh thể hiện tại tài liệu ảnh chụp kiểu dáng công nghiệp Hộp đựng bánh của Cty CP Rồng vàng Minh Ngọc mà không được phép của Cty Gia Bảo là hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp Hộp đựng bánh” (Điều 124.2 a và 126.1 Luật SHTT).

    Vì Cty TNHH Gia Bảo hiện đang là chủ sở hữu hợp pháp của kiểu dáng “Hộp đựng bánh”, nên việc Cty CP Rồng vàng Minh Ngọc sử dụng kiểu dáng tương tự trên sản phẩm mà không được sự cho phép của Cty TNHH Gia Bảo có thể coi đó là hành vi vi phạm. Do đó, khi phát hiện ra việc vi phạm kiểu dáng “nhái lại” phần mô tả của Cty TNHH Gia Bảo làm ảnh hưởng đến uy tín, Cty TNHH Gia Bảo có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý theo luật.

    Đã đến lúc các cơ quan hữu quan cần phải có biện pháp quản lý và siết chặt hơn nữa việc chứng nhận kiểu dáng có đặc thù tương tự cho những chủng loại sản phẩm giống nhau, tránh tình trạng tranh chấp về quyền đăng ký như Cty TNHH Gia Bảo và Cty CP Rồng vàng Minh Ngọc.

     

    Thông tin gửi tới Quý Luật sư cùng các bạn đọc tham khảo !

     

     

     
    Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn luatnvs1 vì bài viết hữu ích
    cuongnguyendhlhn (01/12/2013)