Về việc ủy quyền, cụ thể là ủy quyền trong doanh nghiệp thì quy định pháp luật không có hạn chế chi tiết, vấn đề đặt ra ở đây chỉ là điều lệ, quy định của công ty có cho phép việc này hay không.
Nếu trong các văn bản, quy định của công ty không có quy định về việc này (không giới hạn việc ủy quyền trách nhiệm của nhân sự của công ty cho một người khác) vậy thì giám đốc/người đại diện theo pháp luật hoàn toàn có thể thực hiên việc ủy quyền này
(Hoặc ra quyết định giao việc/giao quyền cho NLĐ trong công ty để thực hiện công việc).
Còn sau khi có ủy quyền/quyết định giao việc thì căn cứ vào nội dung văn bản thì người được ủy quyền có thể thực hiện các quyền đã được giao.
Việc cá nhân này có làm giám đốc công ty khác hay không không liên quan đến việc quyết định của công ty. Chỉ trừ trường hợp công ty không thể ủy quyền cho 1 cá nhân ký kết hợp đồng với công ty khác mà cá nhân này cũng làm đại diện ở công ty đó (bởi lẽ 1 người không thể ký hợp đồng ở cả 2 bên trong 1 hợp đồng).
Tại Điều 141 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về phạm vi đại diện như sau:
"Điều 141. Phạm vi đại diện
1. Người đại diện chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện theo căn cứ sau đây:
a) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
b) Điều lệ của pháp nhân;
c) Nội dung ủy quyền;
d) Quy định khác của pháp luật.
2. Trường hợp không xác định được cụ thể phạm vi đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Người đại diện phải thông báo cho bên giao dịch biết về phạm vi đại diện của mình."
Thông tin thêm đến bạn.