Hiện nay, mỗi ngày đều có rất nhiều hợp đồng được ký kết, việc nắm rõ các quy định pháp luật giúp các giao kết hợp đồng thực hiện được nhanh chóng và tuân thủ đúng quy định.
Trong đó, các vướng mắc của người đọc về điểm chỉ được nhiều người quan tâm. Theo đó, bài viết sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến việc điểm chỉ trong giao kết hợp đồng.
Điểm chỉ là gì?
Khái niệm “điểm chỉ” tuy chưa được quy định trong văn bản pháp lý nào, thế nhưng có thể hiểu “điểm chỉ” (hay còn gọi là lăn tay) là việc một người thực hiện “ký tên” của mình bằng cách dùng ngón tay của mình đã có mực lăn trên văn bản, giấy tờ cần ký đồng thời với việc ký tên hoặc thay cho việc ký tên khi không có khả năng ký tên được.
Điểm chỉ có thể thay thế chữ ký hay không?
Trong văn bản công chứng
Căn cứ theo khoản 1 Điều 48 Luật Công chứng 2014 Người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên.
Trong trường hợp người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp khác đã đăng ký chữ ký mẫu tại tổ chức hành nghề công chứng thì người đó có thể ký trước vào hợp đồng; công chứng viên phải đối chiếu chữ ký của họ trong hợp đồng với chữ ký mẫu trước khi thực hiện việc công chứng.
Theo đó, có thể thấy tất cả các giao dịch hợp đồng công chứng bắt buộc đều phải sử dụng hình ký tên trừ một số trường hợp ngoại lệ khi không thể ký tên, cụ thể như sau:
Tại khoản 2, khoản 3 Điều 48 Luật Công chứng 2014 quy định Việc điểm chỉ được thay thế việc ký trong trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch không ký được do khuyết tật hoặc không biết ký.
Khi điểm chỉ, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch sử dụng ngón trỏ phải; nếu không điểm chỉ được bằng ngón trỏ phải thì điểm chỉ bằng ngón trỏ trái; trường hợp không thể điểm chỉ bằng hai ngón trỏ đó thì điểm chỉ bằng ngón khác và phải ghi rõ việc điểm chỉ đó bằng ngón nào, của bàn tay nào.
Việc điểm chỉ cũng có thể thực hiện đồng thời với việc ký trong các trường hợp sau đây:
- Công chứng di chúc;
- Theo đề nghị của người yêu cầu công chứng;
- Công chứng viên thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu công chứng.
Trong văn bản chứng thực
Điều 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP về thủ tục chứng thực hợp đồng giao dịch, tại khoản 3 có quy định:
Các bên tham gia hợp đồng, giao dịch phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực. Trường hợp người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã đăng ký chữ ký mẫu tại cơ quan thực hiện chứng thực thì có thể ký trước vào hợp đồng; người thực hiện chứng thực phải đối chiếu chữ ký của họ trong hợp đồng với chữ ký mẫu trước khi thực hiện chứng thực, nếu nghi ngờ chữ ký trong hợp đồng khác với chữ ký mẫu thì yêu cầu người đó ký trước mặt.
Trường hợp người yêu cầu chứng thực không ký được thì phải điểm chỉ; nếu người đó không đọc được, không nghe được, không ký, không điểm chỉ được thì phải có 02 (hai) người làm chứng. Người làm chứng phải có đủ năng lực hành vi dân sự và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch
Theo quy định trên, có thể thấy trong hoạt động chứng thực hợp đồng, giao dịch việc điểm chỉ được thực hiện thay cho việc ký nếu người yêu cầu chứng thực không thể ký được.
Việc điểm chỉ trong văn bản chứng thực hợp đồng, giao dịch sẽ được thực hiện giống với cách điểm chỉ trong văn bản công chứng.
Trong di chúc
Căn cứ quy định tại Điều 634 Bộ luật Dân sự 2015 thì trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng.
Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.
Nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc (Khoản 3 Điều 631 Bộ luật Dân sự 2015).