Mình vừa đọc được bài viết này nên chia sẻ đến các bạn nào đang thắc mắc về vấn đề thu tiền tác quyền âm nhạc:
I- Cơ sở pháp lý, phương thức thu, phân phối tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc tại các phòng lưu trú khách sạn.
1- Cở sở pháp lý:
- Căn cứ hợp đồng ủy quyền của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, tổ chức thành viên quốc tế ủy quyền cho Trung tâm quản lý và cấp phép sử dụng các tác phẩm âm nhạc trong hoạt động kinh doanh thương mại theo Điều 56 Luật SHTT.
- Căn cứ vào hợp đồng cấp phép sử dụng quyền tác giả đối với các đài, kênh Truyền hình trong phạm vi “quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng” theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 20 Luật SHTT, khoản 4 Điều 23 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP.
- Căn cứ quy định về “quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng” tại điểm b khoản 1 Điều 20 Luật SHTT, khoản 1 Điều 23 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP, theo đó “quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng” bao gồm việc biểu diễn tác phẩm một cách trực tiếp hoặc thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được, ngoại trừ tại gia đình.
- Căn cứ vào hình thức sử dụng quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc được sử dụng thông qua phương tiện, thiết bị truyền tải là TV tại các phòng lưu trú khách sạn.
- Căn cứ vào đàm phán song phương giữa VCPMC và các tổ chức bản quyền quốc tế, trong đó quan trọng nhất là đạt thỏa thuận về áp dụng cùng một mức nhuận bút đối với tác phẩm âm nhạc nước ngoài cũng như tác phẩm âm nhạc của Việt Nam khi sử dụng tại lãnh thổ Việt Nam.
- Căn cứ văn bản của tổ chức CISAC do ông Ang Kwee Tiang (Nguyên Giám đốc Khu vực châu Á Thái Bình Dương – Cisac) ký ngày 05/8/2011, trong đó có nêu những thông lệ phổ biến tại hầu hết các quốc gia trên thế giới: việc sử dụng âm nhạc thông qua các chương trình phát sóng trong khuôn viên khách sạn, trong các phòng nghỉ được coi là hoạt động biểu diễn công cộng (public performances); VCPMC là tổ chức được cộng đồng các tác giả quốc tế uỷ quyền để cấp phép và thu tác quyền đối với hoạt động biểu diễn công cộng và truyền đạt tác phẩm tại Việt Nam, bao gồm cả hoạt động sử dụng tác phẩm âm nhạc trong khuôn viên khách sạn.
2- Cơ sở tính tiền tác quyền 25.000 đồng/phòng/năm đối với việc sử dụng quyền tác giả âm nhạc thông qua thiết bị TV tại phòng lưu trú khách sạn.
- Căn cứ công văn số 1714/BTC-CST ngày 31/01/2007 của Bộ Tài chính trả lời về việc tiền nhuận bút thù lao (tiền tác quyền) không phải là phí và lệ phí nên Bộ Tài chính không quy định mức giá mà chủ yếu là thỏa thuận giữa đơn vị sử dụng và các chủ sở hữu quyền tác giả. Vì vậy, cần phải xác định rõ tiền nhuận bút, thù lao, hay còn gọi là tiền tác quyền không phải phí và lệ phí như thông tin báo chí đã đăng tải gây hiểu nhầm cho dư luận về việc “thu phí”;
- Căn cứ khoản 2 Điều 20 của Luật SHTT quy định về “quyền tài sản” của các tác giả là quyền do “tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoăc cho phép người khác thực hiện”. Do vậy, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc tổ chức đại diện (VCPMC) có quyền quyết định mức nhuận bút khi các tổ chức, cá nhân sử dụng các tác phẩm. Trước khi ban hành biểu mức, VCPMC đã có bước tham khảo cách thực hiện ở các nước và thông qua ý kiến đại diện của các nhạc sĩ, các tác giả trong nước, đồng thời đã báo cáo Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) và Bộ đã có ý kiến chấp thuận, hoan nghênh đề án thu bản quyền (Công văn số 4737 ngày 16/11/2006 của Bộ VHTT);
- Căn cứ nguyên tắc quy định tại điểm b khoản 1 Điều 45a Nghị định số 100/2006/NĐ-CP (được bổ sung theo Nghị định số 85/2011/NĐ-CP): “Mức nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất căn cứ vào thể loại, hình thức, chất lượng, số lượng hoặc tần suất sử dụng tác phẩm”;
VCPMC căn cứ vào hình thức và tần suất sử dụng tác phẩm để tính mức nhuận bút trọn gói 25.000 đồng/phòng/năm cho việc sử dụng quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng đối với toàn bộ các tác phẩm âm nhạc Việt Nam và quốc tế thuộc thành viên của VCPMC trong các chương trình truyền hình của các kênh truyền hình được phát thông qua thiết bị truyền tải TV tại phòng lưu trú của khách sạn là có cơ sở pháp lý và hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.
Căn cứ số liệu năm 2016 của Chi nhánh phía Nam, tổng số tiền tác quyền thu được từ lĩnh vực khách sạn, resort, cao ốc là 3,524,619,820 đồng (tăng 15% so với 2015), số lượng hợp đồng đã ký ở lĩnh vực này là 389 hợp đồng, trong đó:
+ 277 hợp đồng thu tại Tp. Hồ Chí Minh.
+ 102 hợp đồng thu ở các tỉnh/TP khác như: Thủ Dầu Một (Bình Dương), Phan Thiết (Bình Thuận), Đà Lạt, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh (Lâm Đồng), Nha Trang, Cam Ranh (Khánh Hoà), Vũng Tàu, Cần Thơ…
+ 10 hợp đồng thu tại TP. Đà Nẵng.
3- Cơ sở phân phối sau khi thu tiền sử dụng quyền tác giả tại phòng lưu trú khách sạn.
- Hiện nay hầu hết khách sạn đang sử dụng các hệ thống truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số, truyền hình internet. Các hệ thống truyền hình này đều có các kênh truyền hình, số lượng kênh gần giống nhau, trong đó bao gồm các kênh truyền hình địa phương (các kênh truyền hình các tỉnh/thành phố), truyền hình Trung ương VTV, các kênh truyền hình xã hội hóa như MTV, Today TV, Yan TV, Yeah 1 TV … và các kênh truyền hình quốc tế như Chanel V, NHK, ….
- Đại đa số các kênh truyền hình Việt Nam đều đã ký kết hợp đồng sử dụng tác phẩm với Trung tâm và hàng năm kê khai danh mục tác phẩm âm nhạc mà các kênh truyền hình đã sử dụng để Trung tâm đối soát làm cơ sở phân phối cho các tác giả.
- Trên cơ sở đó, việc phân phối đối với các tác phẩm âm nhạc Việt Nam phát trên các kênh truyền hình Việt Nam, Trung tâm sử dụng danh mục do các đài, kênh truyền hình cung cấp để tiến hành đối soát và phân phối cho các tác giả Việt Nam.
- Đối với các kênh truyền hình Quốc tế, VCPMC thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin dữ liệu tác phẩm với các tổ chức thành viên Quốc tế có các kênh truyền hình được phát tại Việt Nam nhằm yêu cầu cung cấp danh mục các tác phẩm âm nhạc Quốc tế đã được các thành viên quốc tế cấp phép sử dụng để tiến hành đối soát và phân phối cho các tác giả quốc tế thuộc quyền kiểm soát của các tổ chức thành viên đã ủy quyền cho VCPMC. Ngược lại, VCPMC sẽ hỗ trợ các tổ chức thành viên về danh sách các tác phẩm âm nhạc Việt Nam sử dụng trên các kênh truyền hình Việt Nam được phát tại lãnh thổ của các nước thuộc thành viên đã ủy quyền cho VCPMC như kênh VTV4...
Ví dụ: kênh NHK: Trung tâm nhờ tổ chức thành viên JASRAC của Nhật Bản hỗ trợ danh mục của kênh NHK, tương tự như vậy kênh thuộc của nước nào thì sẽ nhờ sự hỗ trợ của tổ chức thành viên tại nước đó.
Trong điều kiện Trung tâm chưa có đủ năng lực về tài chính để đầu tư kỹ thuật, thiết bị hiện đại nhằm đo đếm chính xác tác phẩm được sử dụng trên các kênh truyền hình, việc phân phối, chi trả tiền sử dụng quyền “biểu diễn tác phẩm trước công chúng” thu được từ hình thức sử dụng tác phẩm âm nhạc thông qua các kênh truyền hình (TV) được dựa vào danh sách tác phẩm tổng hợp từ các Đài, các kênh truyền hình kê khai, cung cấp (các Đài cung cấp mỗi năm 1 lần). Đây là phương án phân phối tối ưu nhất mà Trung tâm đã tham khảo các tổ chức thành viên Quốc tế đối với hình thức cấp phép và thu tiền sử dụng các tác phẩm âm nhạc thông qua thiết bị truyền tải TV tại các phòng lưu trú của khách sạn.
- Đối với số tiền thu được từ việc sử dụng quyền tác giả âm nhạc thông qua các kênh truyền hình tại phòng nghỉ khách sạn, Trung tâm thực hiện phân phối vào quý 4 mỗi năm. Số tiền từ lĩnh vực này mà Trung tâm đã rà soát để nhập liệu phân phối (sau khi trừ thuế GTGT và hành chính phí theo quy định), với tổng số lượng tác phẩm từ 13.000 bài đến 14.000 bài (bao gồm nhạc Việt Nam và nước ngoài).
II- Quá trình phối hợp triển khai tại thành phố Đà Nẵng từ năm 2013 đến nay:
1- Lộ trình triển khai:
Trong thời gian qua, với sự quan tâm, giúp đỡ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Bản quyền tác giả, Trung tâm đã tích cực, chủ động phối hợp với nhiều Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Phòng Văn hóa và Thông tin ở các địa phương trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 36/CT/TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường bảo hộ thực thi quyền tác giả, quyền liên quan, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam - Chi nhánh phía Nam (Trung tâm) đã phối hợp tổ chức trên 100 hội nghị tại nhiều tỉnh thành, các thành phố/thị xã/quận/huyện, phường/xã… nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền tác giả dành cho các cán bộ làm công tác quản lý, nghiệp vụ, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân có sử dụng âm nhạc trong hoạt động kinh doanh tại từng địa phương.
Riêng tại thành phố Đà Nẵng, bắt đầu từ tháng 3 năm 2013, Trung tâm đã tiến hành phối hợp, làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (nay là Sở Văn hoá và Thể thao) để lên kế hoạch, lộ trình triển khai tại Đà Nẵng, chi tiết như sau:
- Ngày 30/3/2013: Trung tâm đã họp, làm việc với Sở VH,TT&DL Đà Nẵng.
- Ngày 20/6/2013, Trung tâm và Sở VH,TT&DL Đà Nẵng đã ký Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-TTBVQTGAN-SVHTTDL v/v Tổ chức hội nghị triển khai thực thi quyền tác giả âm nhạc.
- Ngày 22/6/2013: Sở đã phối hợp cùng Trung tâm tổ chức hội nghị tuyên truyền về quyền tác giả; Sở đã mời Cục BQTG triển khai các quy định của Luật SHTT về quyền tác giả.
- Tháng 9/2013: Thành lập Văn phòng đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) tại Đà Nẵng, trụ sở ban đầu tại số 121 Nguyễn Du, quận Hải Châu, Đà Nẵng, với mục đích nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị kinh doanh liên hệ. Địa chỉ của VPĐD hiện nay tại số 31 Lê Lợi, quận Hải Châu, Đà Nẵng.
- Từ tháng 11/2013, Trung tâm tiến hành thu tiền tác quyền tại Đà Nẵng.
- Trước đó, vào ngày 15/10/2013, Trung tâm đã gửi công văn số 307/CV/BVQTGANVN-PN thông báo đến các đơn vị kinh doanh về thời gian thu tiền tác quyền để các đơn vị chuẩn bị.
- Đồng thời, để hỗ trợ Trung tâm, Sở VH,TT&DL Đà Nẵng đã gửi công văn số 4309/SVHTTDL-NVVH ngày 09/10/2013 v/v thực thi quyền tác giả âm nhạc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến Phòng VH-TT quận/huyện và các quán bar, nhà hàng, cà phê, khách sạn, siêu thị, karaoke… đề nghị thực hiện nghiêm túc quy định về quyền tác giả.
- Tiếp theo, Trung tâm đã cử chuyên viên ra VPĐD tại Đà Nẵng để hỗ trợ cấp phép, đàm phán, giải thích pháp luật (trong 5 ngày: 04/11 – 08/11/2013).
- Kết quả bước đầu: trong 2 tháng cuối năm 2013, trên 40 đơn vị kinh doanh đã liên hệ đến VPĐD để tìm hiểu, trong đó đã có 13 đơn vị ký hợp đồng (08 karaoke, 01 khách sạn, 01 cửa hàng, 01 quán cà phê, 02 phòng trà).
- Trong 3 năm tiếp theo (2014-2015-2016), VPĐD đã kiên trì, tích cực, chủ động khảo sát, gửi văn bản, liên hệ các đơn vị kinh doanh để tiếp tục thuyết phục, vận động các đơn vị thực hiện, đồng thời thông tin đầy đủ, thường xuyên đến Sở VH&TT, Sở Du lịch về tình hình thực hiện và đề nghị hỗ trợ trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm.
- Tuy nhiên, kết quả thực hiện trong các năm qua chưa cao. Năm 2016 vừa qua, tại Đà Nẵng, chỉ có 28 đơn vị thực hiện ký kết hợp đồng với Trung tâm (10 khách sạn, 03 karaoke, 05 cà phê, 05 nhà hàng, 03 phòng trà, 02 khu vui chơi giải trí). Nhiều đơn vị kinh doanh còn tìm cách né tránh, ngày càng bộc lộ rõ thái độ đối phó, thách thức, coi thường, có hành vi xâm phạm quyền tác giả một cách ngang nhiên.
- Để tìm giải pháp khắc phục tình trạng trên, từ cuối năm 2016, Trung tâm đã báo cáo tình hình đến Sở VH&TT và Sở Du lịch Đà Nẵng.
- Vào ngày 11/11/2016, Sở Du lịch Đà Nẵng đã có công văn số 1684/SDL-QLCSLT v/v thực thi quyền tác giả trên địa bàn thành phố Đà Nẵng gửi đến Giám đốc các cơ sở lưu trú du lịch tại Tp. Đà Nẵng.
- Vào ngày 09/12/2016, Sở VH&TT Đà Nẵng đã có công văn số 2902/SVHTT-QLVH v/v tiếp tục thực hiện quy định về quyền tác giả gửi đến Phòng VH-TT các quận huyện
- Đầu năm 2017, Trung tâm đã tiến hành làm việc với Phòng Văn hoá và Thông tin quận Hải Châu để từng bước triển khai thông qua Kế hoạch phối hợp số 47/KHPH-PVHTT-TTBVQTGAN ngày 30/3/2017.
- Vào ngày 11/4/2017, Trung tâm đã phối hợp với Uỷ ban nhân dân, Phòng Văn hoá và Thông tin quận Hải Châu để tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền tác giả nhằm giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn quận tìm hiểu quy định của pháp luật, giải đáp các thắc mắc xung quanh việc thực hiện, mức nhuận bút, cách tính… Dự kiến Trung tâm sẽ triển khai mở rộng dần đến các quận/huyện khác của thành phố.
Tuy nhiên, theo thống kê của Trung tâm, số lượng các đơn vị tham dự hội nghị vừa qua chưa đông đủ, đặc biệt ở lĩnh vực khách sạn, điều này đã gây khó khăn cho Trung tâm cũng như cơ quan quản lý nhà nước. Tiếp đó, Trung tâm vẫn kiên trì vận động, gửi văn bản đề nghị các đơn vị liên hệ trực tiếp đến VPĐD tại Đà Nẵng để tìm hiểu và thực hiện với mong muốn các đơn vị cần ý thức rõ về nghĩa vụ thực hiện quyền tác giả đã được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ; hành vi sử dụng tác phẩm âm nhạc mà chưa xin phép, chưa trả tiền nhuận bút thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ là “hành vi xâm phạm quyền tác giả”. Về nguyên tắc, chủ sở hữu quyền tác giả có quyền quyết định đối với tài sản, tác phẩm của mình, có quyền tự bảo vệ và áp dụng các biện pháp bảo vệ quyền theo đúng quy định tại Điều 198 của Luật Sở hữu trí tuệ. Do đó đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, sau một quá trình vận động, thuyết phục, Trung tâm cần tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các tác giả như: khiếu nại, tố cáo hành vi xâm phạm đến các cơ quan chức năng hoặc khởi kiện tại Toà án có thẩm quyền.
2- Quy trình gửi văn bản đến các đơn vị sử dụng âm nhạc:
Trung tâm thực hiện quy trình triển khai theo 3 bước như sau:
Bước 1: Tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến về các quy định về quyền tác giả, hướng dẫn cách thực hiện, cách tính mức nhuận bút, cách kê khai, đồng thời thông báo rõ đến các đơn vị kinh doanh về việc thu tiền bắt đầu từ thời gian nào để có sự chuẩn bị. Hạn chế: các đơn vị kinh doanh tham dự chưa đầy đủ.
Bước 2: Gửi văn bản và hướng dẫn thực hiện
Trung tâm tiến hành gửi văn bản ít nhất 3 lần:
Văn bản lần 1: đề nghị thực hiện, nội dung nhằm vận động, thuyết phục và hướng dẫn các đơn vị tiếp cận các quy định của pháp luật có liên quan.
Văn bản lần 2: đề nghị thực hiện, nhắc lại nội dung đã đề nghị ở lần 1, nhấn mạnh về các quy định của pháp luật có liên quan để các đơn vị quan tâm, tìm hiểu.
Văn bản lần 3 trở đi: đề nghị thực hiện, bước đầu cảnh báo về hành vi xâm phạm quyền tác giả, sử dụng tác quyền tác giả mà không xin phép, trả tiền cho chủ sở hữu quyền tác giả; có thể hạn định thời gian thực hiện vì lý do các đơn vị nhận được văn bản nhưng cố ý không thực hiện cũng không phản hồi.
Bước 3: Cảnh báo về hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại Điều 28 Luật SHTT, Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan; cảnh báo về việc áp dụng các biện pháp bảo vệ quyền theo Điều 198 Luật SHTT: khiếu nại, tố cáo hành vi xâm phạm đến các cơ quan chức năng hoặc khởi kiện tại Toà án./.
(Nguồn: Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt nam)