Có quyền bảo vệ nhân phẩm của người đã mất không?

Chủ đề   RSS   
  • #611171 03/05/2024

    KieuTrinh87464

    Sơ sinh

    Vietnam
    Tham gia:05/04/2024
    Tổng số bài viết (25)
    Số điểm: 125
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 0 lần


    Có quyền bảo vệ nhân phẩm của người đã mất không?

    Xúc phạm nhân phẩm của người khác là gì? Có quyền bảo vệ nhân phẩm của người đã mất không? Mức xử phạt hành chính đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm người khác?

     1. Xúc phạm nhân phẩm của người khác là gì?

    Hiện nay chưa có quy định cụ thể nào giải thích xúc phạm nhân phẩm của người khác là như thế nào. Tuy nhiên, có thể hiểu, xúc phạm nhân phẩm là hành động, lời nói hoặc hành vi gây tổn thương đến lòng tự trọng, giá trị và đức tính của người khác. Theo đó, người bị xúc phạm nhân phẩm có thể rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý, tinh thần suy sụp, trầm cảm và các bệnh lý về tâm thần khác.

    2. Có quyền bảo vệ nhân phẩm của người đã mất không?

    Tại khoản 1 Điều 20 Hiến pháp 2013 có quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm đến nhân phẩm.

    Quyền được bảo vệ về nhân phẩm tiếp tục được ghi nhận tại Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

    - Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

    - Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

    Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

    - Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

    - Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.

    - Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

    Theo quy định trên, việc bảo vệ nhân phẩm có thể được thực hiện sau khi cá nhân mất. Quyền yêu cầu trên thuộc về vợ, chồng hoặc con thành niên của người đã mất. Trong trường hợp không có những người này thì việc bảo vệ nhân phẩm của người đã mất sẽ được thực hiện theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã mất.

    3. Mức xử phạt hành chính đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm người khác?

    Căn cứ các quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người có hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt vi phạm hành chính với các mức phạt như sau:

    - Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (điểm a và điểm b khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP):

    + Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác;

    + Tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác hoặc xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

    - Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng (điểm b khoản 2 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP):

    Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ.

    - Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng:

    + Đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình (khoản 1 Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP);

    + Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình (điểm b khoản 1 Điều 60 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

    - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (khoản 2 Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP):

    + Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

    + Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình;

    + Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.

    Ngoài ra, tại điểm a khoản 3 Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP có quy định việc sử dụng mạng xã hội thực hiện hành vi xúc phạm nhân phẩm người khác thì bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.

    Như vậy, tùy vào tính chất của từng hành vi xúc phạm nhân phẩm người khác mà sẽ có những mức phạt hành chính tương ứng.

     
    71 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận