Có phải tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đều bắt buộc có nhãn phụ?

Chủ đề   RSS   
  • #611527 15/05/2024

    Có phải tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đều bắt buộc có nhãn phụ?

    Có phải tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đều bắt buộc có nhãn phụ? Ghi nhãn phụ được quy định như thế nào? Ai có trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa?

    1. Có phải tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đều bắt buộc có nhãn phụ?

    Căn cứ khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

    Như vậy, không phải tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đều bắt buộc có nhãn phụ. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ theo quy định.

    2. Ghi nhãn phụ được quy định như thế nào?

    Căn cứ Điều 8 Nghị định 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 111/2021/NĐ-CP. Theo đó, ghi nhãn phụ được quy định như sau:

    - Nhãn phụ phải được gắn trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa và không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc.

    - Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân ghi nhãn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung ghi. Nội dung ghi trên nhãn phụ gồm cả nội dung được ghi bổ sung không làm hiểu sai nội dung trên nhãn gốc và phải phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của hàng hóa.

    - Những hàng hóa sau đây không phải ghi nhãn phụ:

    + Linh kiện nhập khẩu để thay thế các linh kiện bị hỏng trong dịch vụ bảo hành hàng hóa của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đối với hàng hóa đó, không bán ra thị trường.

    + Nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, linh kiện nhập khẩu về để sản xuất, không bán ra thị trường.

    Như vậy, nội dung ghi trên nhãn phụ, cách gắn nhãn phụ phải thực hiện theo đúng quy định.

    3. Ai có trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa?

    Căn cứ Điều 9 Nghị định 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP. Theo đó, trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa được quy định như sau:

    - Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa kể cả nhãn phụ phải bảo đảm ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa.

    - Hàng hóa sản xuất để lưu thông trong nước thì tổ chức, cá nhân sản xuất phải chịu trách nhiệm thực hiện ghi nhãn hàng hóa.

    Trong trường hợp tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa yêu cầu tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc ghi nhãn thì tổ chức, cá nhân đó vẫn phải chịu trách nhiệm về nhãn hàng hóa của mình.

    - Trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường thì tổ chức, cá nhân đưa hàng hóa ra lưu thông phải ghi nhãn theo quy định của Nghị định 43/2017/NĐ-CP.

    - Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam phải ghi nhãn theo quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa nhập khẩu tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP.

    Như vậy, hàng hóa sản xuất để lưu thông trong nước thì tổ chức, cá nhân sản xuất phải chịu trách nhiệm thực hiện ghi nhãn hàng hóa; Trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường thì tổ chức, cá nhân đưa hàng hóa ra lưu thông phải ghi nhãn.

     
    232 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận