Hiện nay việc thuê lao động giúp việc gia đình khá phổ biến, vậy pháp luật quy định như thế nào về lao động giúp việc gia đình.
Phải giao kết hợp đồng bằng văn bản với lao động giúp việc gia đình
Lao động là người giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình. Các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại.
Tại Điều 162 Bộ luật Lao động 2019 quy định về hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình như sau:
- Người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình.
- Thời hạn của hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình do hai bên thỏa thuận. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất kỳ khi nào nhưng phải báo trước ít nhất 15 ngày.
- Hai bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động về hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, thời giờ làm việc hằng ngày, chỗ ở.
Như vậy, khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động với người lao động, hình thức hợp đồng lao động ký kết phải bằng văn bản.
Sử dụng lao động giúp việc có phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động không?
Theo Điều 89 Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động thì người sử dụng lao động không trực tiếp tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho lao động giúp việc gia đình mà thực hiện như sau:
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm trả cùng lúc với kỳ trả lương cho người lao động một khoản tiền bằng mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
- Trường hợp người lao động đồng thời giao kết nhiều hợp đồng lao động làm giúp việc gia đình thì trách nhiệm trả tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động được thực hiện theo từng hợp đồng lao động.
Căn cứ theo quy định nêu trên thì người sử dụng lao động giúp việc gia đình sẽ không trực tiếp nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho cơ quan bảo hiểm xã hội mà sẽ chi trả vào lương khoản tiền bằng với đóng vào bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động giúp việc gia đình cho người giúp việc để họ tự đi tham gia các khoản bảo hiểm này. Lưu ý nếu như đồng thời giao kết nhiều hợp đồng lao động thì từng người sử dụng lao động giúp việc đều phải có trách nhiệm chi trả khoản tiền này trong nghĩa vụ của mình.
Có xử phạt khi không giao kết hợp đồng bằng văn bản với lao động giúp việc gia đình?
Theo quy định tại Điều 30 Nghị định 12/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì trong trường hợp không giao kết hợp đồng bằng văn bản thì sẽ bị xử phạt cảnh cáo và phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi đã bị phạt cảnh cáo mà vẫn vi phạm.
Người lao động là giúp việc gia đình cần nắm rõ các quy định cần thiết liên quan đến giao kết hợp đồng cũng như các quy định về quyền lợi, nghĩa vụ của mình để đảm bảo lợi ích nếu có tranh chấp xảy ra.