Thực tế cho thấy Nghị định số 64/2008/NĐ-CP có những hạn chế, không phù hợp thực tiễn, không phát huy hiệu quả quản lý nên cần phải sửa đổi
Thông tin lũ lụt tang thương dồn dập tại miền Trung những ngày qua khiến người dân cả nước cùng hướng về nơi đây, thấp thỏm âu lo. Nhiều cá nhân, tổ chức đã không quản ngại đường xa, khó khăn, nguy hiểm đi tận nơi cứu trợ người dân vùng lũ (Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình...). Điển hình như ca sĩ Thủy Tiên, số tiền quyên góp đến ngày 20-10 đã lên đến 105 tỉ đồng.
Ai được phép tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ?
Hơn lúc nào hết, đồng bào miền Trung đang rất cần sự chung tay, góp sức để vượt qua khó khăn trong thời điểm này và cả sau khi bão lũ qua đi. Tuy nhiên, điều dư luận băn khoăn chính là tính hợp pháp của hoạt động cứu trợ tự phát nêu trên.
Cụ thể, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP về việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, điều 5 quy định các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ, gồm:
1. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của trung ương, địa phương; Ủy ban MTTQ và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.
2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
3. Các tổ chức, đơn vị ở trung ương được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban MTTQ cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.
Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.
Ngoài ra, theo Thông tư hướng dẫn số 72/2008 của Bộ Tài chính thì báo, đài chỉ được tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước chứ không được tổ chức phân phối tiền, hàng cứu trợ đó (trừ những khoản tiền hỗ trợ trực tiếp cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo theo địa chỉ cụ thể).
Như vậy, nếu căn cứ đúng theo quy định nêu trên thì những hoạt động quyên góp, phân phối tiền, hàng cứu trợ trong thời gian qua của các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, kể cả báo, đài... đã vi phạm Nghị định số 64/2008/NĐ-CP.
Cần sửa đổi cho phù hợp thực tiễn
Theo luật sư Cao Thế Luận, Công ty Luật TNHH Kao Kiến, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ra đời khuyến khích người dân ủng hộ đồng bào khu vực thiên tai và gặp khó khăn đặc biệt nhưng theo một cơ chế là việc vận động quyên góp, phân bổ tiền, hàng quy vào các đầu mối lớn như MTTQ, Hội Chữ thập đỏ, chính quyền các cấp ở địa phương và các tổ chức xã hội từ thiện có tư cách pháp nhân. Mục đích của việc này nhằm tạo hành lang để hoạt động cứu trợ diễn ra có tổ chức, phân phối hợp lý tiền và hàng cứu trợ, giảm thiểu các rủi ro khi cá nhân, nhóm từ thiện vào vùng thiên tai, tránh các hiện tượng cá nhân lợi dụng từ thiện để vụ lợi...
"Tuy nhiên, việc nghị định trao quyền cho một số tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối cứu trợ lại khiến những nơi này gánh thêm nhiều việc khó kham nổi. Đã xảy ra trường hợp từ chối tiếp nhận đồ cứu trợ vì thiếu kho bãi, phương tiện vận chuyển, người quản lý. Việc phân phối không tận tay người cần, có những vụ việc làm mất lòng tin của người dân" - luật sư Cao Thế Luận phân tích.
Hơn nữa, theo luật sư Cao Thế Luận, dù Nghị định số 64/2008/NĐ-CP đã được ban hành và có hiệu lực hơn 10 năm qua nhưng không được thực thi trên thực tế. Hàng ngàn nhóm từ thiện, hàng triệu cá nhân vẫn tiến hành quyên góp và cứu trợ tự nguyện, dù có dựa theo hướng dẫn của địa phương nhưng vẫn không thông qua các tổ chức mà Nghị định 64/2008/NĐ-CP quy định. Như vậy, thực tế đã chứng minh Nghị định số 64/2008/NĐ-CP có những hạn chế, không phù hợp thực tiễn, không phát huy hiệu quả quản lý nên cần phải sửa đổi.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng Nghị định 64/2008/NĐ-CP ban hành từ năm 2008 nhưng Chính phủ chưa có tổng kết xem các quy định trong này có phù hợp thực tiễn hay không. "Luật pháp phải bắt nguồn từ cuộc sống, phục vụ cuộc sống và nguyên tắc xây dựng văn bản pháp luật là thực tiễn đặt ra cái gì thì pháp luật đi theo phục vụ. Không nên máy móc chỉ cho phép tổ chức nhà nước, tổ chức xã hội mới có quyền huy động, kêu gọi quyên góp, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ. Cần có quy định với thủ tục không rườm rà để những cá nhân, tổ chức thiện nguyện đăng ký nhằm ràng buộc trách nhiệm; đồng thời quy định phương thức đi từ thiện để bảo đảm an toàn cho chuyến đi. Pháp luật cũng cần quy định công khai minh bạch tài chính, ngăn chặn các hành vi lạm dụng quyên góp để trục lợi" - đại biểu Lê Thanh Vân nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, nhấn mạnh cần xem xét, rà soát lại các quy định liên quan, nếu lỗi thời thì phải sửa đổi cho phù hợp thực tiễn.
Thủ tướng đề nghị giám sát việc vận động quyên góp
Ngày 21-10, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc chấn chỉnh hoạt động tổ chức vận động, quyên góp tự nguyện hỗ trợ người dân vùng bị thiên tai. Theo đó, những ngày qua, mưa lũ đặc biệt lớn đã gây thiệt hại hết sức nặng nề về người và tài sản của nhân dân và nhà nước tại các tỉnh miền Trung. Phát huy truyền thống nhân ái "lá lành đùm lá rách", nhiều cơ quan, đoàn thể, tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm đã quan tâm sẻ chia, hỗ trợ đồng bào vùng bị thiên tai.
Để công tác vận động quyên góp và hỗ trợ đúng quy định và thiết thực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương tổ chức, giám sát việc vận động quyên góp hỗ trợ, bảo đảm theo đúng quy định tại Nghị định số 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để chỉ đạo, giám sát việc quyên góp, vận động hỗ trợ theo đúng quy định và xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi trong vận động, quyên góp hỗ trợ.
M.Chiến
|
Phối hợp để được hỗ trợ
Theo ông Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị, tinh thần của Nghị định số 64/2008/NĐ-CP là yêu cầu các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm khi tài trợ thì có thông báo và phối hợp với ban vận động, ban cứu trợ cấp ủy, chính quyền địa phương để được thông tin, hướng dẫn và tạo thuận lợi nhằm hỗ trợ đến đúng địa chỉ, kịp thời, bảo đảm sự công bằng.
"Đây là sự phối hợp nhằm tạo thuận lợi cho nhà hảo tâm. Còn nếu họ muốn đi thẳng đến địa chỉ đã chọn thì cũng rất hoan nghênh. Tuy nhiên, trong điều kiện thiên tai bão lũ, đi lại rất khó, đôi khi có chỗ nguy hiểm mà người ở xa đến không biết, xông pha quá thì có thể nguy hiểm đến tính mạng, tài sản" - ông Hùng chia sẻ.
Nhìn nhận về việc đứng ra quyên góp rồi đi đến tận nơi trao quà cho bà con vùng bão lũ, nhạc sĩ Thanh Tâm cho rằng nếu ai cũng tự đứng ra kêu gọi, lập quỹ riêng thì không ổn. Không riêng gì Việt Nam, ở các nước, cá nhân hay tổ chức tư nhân muốn lập quỹ từ thiện đều phải được sự cho phép của chính phủ và phải chịu sự quản lý nguồn thu/chi bởi một đơn vị kiểm toán độc lập, nhằm bảo đảm tính minh bạch trong việc sử dụng nguồn tiền và tránh trường hợp mở quỹ để làm một kênh rửa tiền.
"Lòng tin mà đi kèm với luật nữa thì càng uy tín chứ có thiệt hại gì đâu. Khi biết đóng góp vào một quỹ mà tiền của mình được bảo đảm sẽ chi đúng mục đích thì tốt quá " - nhạc sĩ Thanh Tâm nói.
Đ.Nghĩa - T.Trang
|
Minh Chiến - Trường Hoàng
Theo Người lao động
Cập nhật bởi lamkylaw ngày 22/10/2020 11:18:22 SA