Trong thời gian qua, hàng triệu học sinh trên cả nước đã tham gia và kết thúc các kỳ thi quan trọng trong cuộc đời học sinh như kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia. Khi có kết quả thi, chỉ cần vài cú nhấp chuột là có thể dễ dàng tra cứu điểm thi của học sinh bởi nó được công khai trên Internet. Một điều đáng lưu ý là những thông tin, hình ảnh về điểm thi của học sinh lại được lan truyền tràn lan trên mạng xã hội dẫn đến lo ngại rằng điều này có thể ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh. Thực tế có nhiều trường hợp vì kết quả thi kém mà học sinh bị ảnh hưởng tâm lý dẫn đến những hậu quả đau lòng.
Bên cạnh đó, việc công khai điểm thi của học sinh còn có thể vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ mí mật đời tư cá nhân, đặc biệt là bí mật cá nhân của trẻ em.
Điều 38 Bộ luật dân sự năm 2017 quy định:
“1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý…”
Thực tế vừa qua, thông tin về điểm thi THPTQG của nhiều học sinh được chia sẻ “vô tội vạ” trên mạng xã hội, dù điểm thi này có cao hay thấp thì ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của học sinh. Mặt khác đây lại là kỳ thi rất quan trọng, học sinh lại đang ở tuổi tâm lý dễ bị tác động, dễ bị tâm lý tự ti, mặc cảm.
Ngoài ra, Luật trẻ em năm 2016 quy định “Trẻ em là người dưới 16 tuổi” và cấm “Công bố, Tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em”. Như vậy, các học sinh thi tuyển vào lớp 10 vẫn còn trong độ tuổi trẻ em lại rất cần thiết phải được bảo vệ về bí mật cá nhân nhất là trên môi trường mạng.
Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định: “Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em”.
Khi những thông tin về kết quả học tập, kết quả thi được công khai trên mạng xã hội, dù là kết quả cao hay thấp, kèm theo đó là những bình luận mang tính mua vui, thậm chí là nhạo báng thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tự trọng của học sinh, đặc biệt là trẻ em. Khi đó vô tình những áp lực vô hình đè nén lên tâm lý học sinh, thậm chí có thể xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
Việc công khai điểm thi có thể xuất phát từ mong muốn minh bạch quá trình thi cử, đảm bảo giám sát của xã hội, nhưng công khai ở mức độ nào để đảm bảo không ảnh hưởng đến cuộc sống của học sinh, đặc biệt là bảo vệ được quyền riêng tư của học sinh, trẻ em là đòi hỏi lớn cần giải quyết.