Có được xây dựng nhà ở trên đất vườn được thừa kế để lại?

Chủ đề   RSS   
  • #604810 17/08/2023

    nguyenhoaibao12061999
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:03/08/2022
    Tổng số bài viết (2261)
    Số điểm: 78451
    Cảm ơn: 100
    Được cảm ơn 2003 lần
    ContentAdministrators
    SMod

    Có được xây dựng nhà ở trên đất vườn được thừa kế để lại?

    Không ít trường hợp ở những vùng nông thôn nhận thừa kế lại đất vườn, đất trồng lúa của ông bà, cha mẹ để lại. Tuy nhiên, những loại đất này có được xây dựng nhà ở lên hay không?
     
    1. Đất vườn, đất trồng lúa là gì?
     
    Đất vườn hiện chưa được quy định cụ thể nhưng tại Điều 10 Luật Đất đai 2013 có quy định 3 loại đất với mục đích sử dụng khác nhau bao gồm: đất nông nghiệp (đất trồng lúa, đất vườn, ao hồ,...), đất phi nông nghiệp (là đất xây dựng nhà ở và tài sản trên đất cho mục đích ở và kinh doanh), đất chưa sử dụng (là đất chưa được nhà nước xác định và có quy hoạch sử dụng).
     
    Dù vậy, trước kia cũng có quy định giải thích đất vườn tạp là diện tích đất vườn gắn liền với đất ở thuộc khuôn viên của mỗi hộ gia đình trong các khu dân cư trồng xen kẽ giữa các loại cây hàng năm với cây lâu năm hoặc giữa các cây lâu năm mà không thể tách riêng để tính diện tích cho từng loại.
     
    Từ đó, có thể thấy đất vườn là đất thường được dùng để trồng cây là chính. Sử dụng cho mục đích nông nghiệp.
     
    co-duoc-xay-dung-nha-o-tren-dat-vuon-duoc-thua-ke-de-lai
     
    2. Có được xây nhà ở trên đất vườn, đất trồng lúa?
     
    Theo khoản 1 Điều 6 Luật Đất đai 2013 có quy định đối với cá nhân, hộ gia đình và tổ chức sử dụng đất thực hiện đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất.
     
    Do đó, đối với những trường hợp đang sử dụng đất nông nghiệp (đất vườn, đất trồng lúa) thì chỉ được tiếp tục sử dụng để làm nông nghiệp không được xây dựng nhà ở.
     
    Đồng thời Điều 57 Luật Đất đai 2013 quy định rõ các trường hợp khi chuyển mục đích sử dụng đất sau đây phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:
     
    - Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;
     
    - Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm;
     
    - Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;
     
    - Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;
     
    - Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất;
     
    - Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;
     
    - Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.
     
    Từ đây, nếu gia đình, cá nhân có nhận thừa kế đất nông nghiệp mà có nhu cầu chuyển sang xây dựng nhà ở thì phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền ở địa phương và sử dụng đất đúng mục đích.
     
    3. Tự ý xây nhà trên đất vườn, đất trồng lúa bị xử phạt ra sao?
     
    Cụ thể tại Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 04/2022/NĐ-CP) quy định mức phạt tiền đối với đối tượng tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở như sau:
     
    - Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
     
    + Phạt tiền từ 03 triệu đồng đến 05 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,02 héc ta;
     
    + Phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 08 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;
     
    + Phạt tiền từ 08 triệu đồng đến 15 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
     
    + Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
     
    + Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
     
    + Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta;
     
    + Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.
     
    - Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị thì hình thức và mức xử phạt bằng 02 lần mức phạt quy định tại khoản 2 Nghị định 91/2019/NĐ-CP.
     
    Bên cạnh đó, còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:
     
    - Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
     
    - Buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất và các trường hợp người đang sử dụng đất vi phạm được tạm thời sử dụng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất.
     
    - Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
     
    Như vậy, đất trồng lúa, đất vườn nhận thừa kế thì không được xây dựng nhà ở trên đất này, trường hợp muốn xây dựng thì phải thông báo và được chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất có thể bị phạt hành chính.
     
    777 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn nguyenhoaibao12061999 vì bài viết hữu ích
    admin (18/08/2023)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận