Có được phép lắp camera chĩa sang nhà hàng xóm?

Chủ đề   RSS   
  • #614024 13/07/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 27652
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 575 lần
    SMod

    Có được phép lắp camera chĩa sang nhà hàng xóm?

    Trường hợp lắp camera để đảm bảo an ninh nhưng chĩa sang nhà hàng xóm thì có vi phạm không? Bị xử phạt như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

    (1) Có được phép lắp camera chĩa sang nhà hàng xóm?

    Trước tiên, tại Khoản 1 Điều 21 Hiến pháp 2013 có nêu rõ, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. 

    Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

    Đồng thời, tại Khoản 2 Điều 38 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của công dân như sau:

    “2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.”

    Theo đó, trường hợp lắp camera chĩa sang nhà hàng xóm có thể được xem là hành vi xâm phạm quyền riêng tư của người khác. 

    Trường hợp cảm thấy bản thân hoặc gia đình bị xâm phạm đời sống riêng tư thì công dân có thể yêu cầu hàng xóm lắp đặt lại camera. Nếu không được, có thể khởi kiện ra Tòa án buộc chấm dứt hành vi và có thể yêu cầu bồi thường nếu có thiệt hại (nếu có).

    (2) Lắp camera chĩa sang nhà hàng xóm bị xử phạt như thế nào?

    Trước tiên, theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP có nêu rõ, hành vi lợi dụng việc sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.

    Theo đó, đối với trường hợp sử dụng hình ảnh từ camera để đưa lên mạng xã hội thì còn phụ thuộc vào mức độ vi phạm, tính chất của hành vi đó mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau:

    Xử phạt hành chính: Căn cứ Khoản 3 Điều 100 Nghị định 15/2020/NĐ-CP có quy định phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng đối với người có hành vi chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

    Bên cạnh đó, cá nhân trong trường hợp này có quyền yêu cầu tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình và có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 34 Bộ Luật Dân sự 2015.

    Truy cứu trách nhiệm hình sự: Căn cứ Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ Luật hình sự 2017 có quy định hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm và danh dự của người khác sẽ bị xem là tội phạm và bị áp dụng hình phạt. 

    Theo đó, Người vi phạm trong trường hợp này có thể bị cảnh cáo, phạt tiền từ 10 đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. 

    Bên cạnh đó, trường hợp thuộc một trong những trường hợp dưới đây thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm, cụ thể: 

    - Phạm tội 2 lần trở lên. 

    - Đối tượng bị xúc phạm là 2 người trở lên.

    - Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

    - Đối tượng bị xúc phạm đang thi hành công vụ.

    - Đối tượng bị xúc phạm là người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho người phạm tội.

    - Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội.

    - Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%. 

    Đặc biệt, trường hợp gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 46% trở lên hoặc Làm nạn nhân tự sát thì có thể bị xử phạt từ 02 đến 05 năm tù. 

    Cuối cùng, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong khoảng thời gian từ 01 đến 05 năm.

    Tổng kết lại, cuộc sống riêng tư và bí mật cá nhân được coi là không thể xâm phạm và được bảo vệ bởi pháp luật. Theo đó, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng và công khai thông tin liên quan đến cuộc sống riêng tư và bí mật cá nhân mà không có sự đồng ý của người đó là vi phạm pháp luật và sẽ tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng mà người vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 đến 30 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù lên đến 05 năm.

     
    1203 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn phucpham2205 vì bài viết hữu ích
    admin (10/10/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận