Có được mở nhà trẻ tư trong khu chung cư không?

Chủ đề   RSS   
  • #612518 08/06/2024

    lamtuyet9366
    Top 500
    Lớp 2

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:04/05/2024
    Tổng số bài viết (265)
    Số điểm: 3374
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 136 lần


    Có được mở nhà trẻ tư trong khu chung cư không?

    Không ít cư dân sống trong các chung cư mở nhà trẻ để giữ con của hàng xóm và của người dân sống lân cận.

    Đây cũng là thắc mắc của nhiều người, liệu rằng theo quy định của pháp luật có được mở nhà trẻ tư trong khu chung cư không?

    Xu hướng mở nhà trẻ trong các khu chung cư ngày càng phổ biến tại các thành phố lớn nhằm đáp ứng nhu cầu của cư dân, khi các cư dân không có thời gian chăm sóc trẻ lại không tiện đưa trẻ đến các cơ sở giáo dục mầm non.

    Vì lẽ đó, không ít người đã mở nhà trẻ tư ngay tại khu chung cư mình sinh sống. 

    (1) Điều kiện thành lập và hoạt động nhà trẻ tư

    Điều 10 Nghị định 46/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP quy định về điều kiện thành lập và hoạt động nhóm nhà trẻ, lớp mẫu giáo độc lập cụ thể như sau:

    - Có giáo viên đạt trình độ chuẩn theo quy định.

    - Có phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em an toàn; diện tích phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em bảo đảm ít nhất 1,5 m2 cho một trẻ em; có chỗ chơi, có hàng rào và cổng bảo vệ an toàn cho trẻ em; những nơi có tổ chức ăn cho trẻ em phải có bếp riêng, an toàn; bảo đảm phòng chống cháy nổ và vệ sinh an toàn thực phẩm. Có đủ nước sạch dùng cho sinh hoạt và đủ nước uống hàng ngày cho trẻ em.

     

    Trang thiết bị đối với một nhóm trẻ độc lập

    - Thiết bị tối thiểu cho trẻ em gồm: Chiếu hoặc thảm ngồi chơi, giường nằm, chăn, gối, màn để ngủ, dụng cụ đựng nước uống, đồ dùng, đồ chơi và giá để, giá để khăn và ca, cốc, có đủ bô đi vệ sinh và tài liệu phục vụ hoạt động chơi và chơi – tập có chủ đích.

    - Tài liệu cho người nuôi dạy trẻ em, gồm: Bộ tài liệu hướng dẫn thực hiện hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em; sổ theo dõi trẻ; sổ theo dõi tài sản của nhóm trẻ; tài liệu dùng để phổ biến kiến thức nuôi dạy con cho cha mẹ.

    Trang thiết bị đối với một lớp mẫu giáo độc lập

    - Thiết bị tối thiểu cho trẻ em gồm: Bàn, ghế đúng quy cách cho trẻ em ngồi (đặc biệt đối với trẻ em 05 tuổi): một bàn và hai ghế cho hai trẻ em; một bàn, một ghế và một bảng cho giáo viên; đồ dùng, đồ chơi và giá để; bình đựng nước uống, nước sinh hoạt; tài liệu cho hoạt động chơi và học có chủ đích.

    Đối với lớp bán trú: Có chiếu hoặc giường nằm, chăn, gối, màn, quạt.

    - Tài liệu cho giáo viên mẫu giáo gồm: Bộ tài liệu hướng dẫn thực hiện hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em; sổ theo dõi trẻ em; sổ ghi chép tổ chức các hoạt động giáo dục của trẻ em trong ngày; tài liệu dùng để phổ biến kiến thức nuôi dạy con cho cha mẹ.

    - Đối với những nơi mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non chưa đáp ứng đủ nhu cầu đưa trẻ em tới trường, lớp, các cá nhân có thể tổ chức nhóm trẻ nhằm đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em của phụ huynh và phải đăng ký hoạt động với Ủy ban nhân dân cấp xã, bảo đảm các điều kiện đăng ký hoạt động như sau:

    - Số lượng trẻ em trong nhóm trẻ tối đa là 07 trẻ em.

    - Người chăm sóc trẻ em có đủ sức khỏe, đủ năng lực chịu trách nhiệm dân sự và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định.

    - Cơ sở vật chất phải bảo đảm các điều kiện tối thiểu như sau: Phòng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có diện tích tối thiểu là 15m2; bảo đảm an toàn, thoáng, mát; có đồ chơi an toàn, phù hợp lứa tuổi của trẻ em; có đủ đồ dùng và các thiết bị phục vụ nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em; có đủ nước uống và nước sinh hoạt cho trẻ em hằng ngày; có phòng vệ sinh và thiết bị vệ sinh phù hợp với trẻ em; có tài liệu hướng dẫn thực hiện chăm sóc, giáo dục trẻ em.

    (2) Có được mở nhà trẻ tư trong khu chung cư không?

    Căn cứ theo điểm c khoản 8 Điều 3 Luật Nhà ở năm 2023 quy định các hành vi nghiêm cấm như sau:

    Tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung của nhà chung cư; sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở; thay đổi, làm hư hại kết cấu chịu lực; chia, tách căn hộ không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;

    Như vậy, việc mở nhà trẻ trong khu chung cư thuộc loại hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở và đây là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật và sẽ bị xử phạt nếu vi phạm.

    Đối với hành vi mở nhà trẻ tư trong khu chung cư sẽ bị xử phạt hành chính. Căn cứ theo điểm e khoản 1 Điều 70 Nghị định 16/2022/NĐ-CP về vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư đối với người sử dụng nhà chung cư như sau:

     Phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

    - Gây thấm, dột căn hộ chung cư không thuộc quyền sở hữu, quản lý, sử dụng của mình.

    - Sử dụng màu sắc sơn, trang trí mặt ngoài căn hộ, nhà chung cư không đúng quy định về thiết kế, kiến trúc.

    - Kinh doanh hàng hóa nguy hiểm gây cháy nổ, dịch vụ sửa chữa xe có động cơ hoặc dịch vụ giết mổ gia súc.

    - Kinh doanh nhà hàng, karaoke, quán bar tại phần diện tích dùng để kinh doanh của nhà chung cư nhưng không đảm bảo yêu cầu về cách âm, phòng cháy, chữa cháy theo quy định.

    - Hoạt động kinh doanh tại phần diện tích không dùng để kinh doanh của nhà chung cư theo quy định.

    - Sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở.

    Ngoài việc bị phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng, người vi phạm có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích để ở theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 70 Nghị định 16/2022/NĐ-CP 

    Tóm lại, không được mở nhà trẻ tư trong khu chung cư, việc mở nhà trẻ tư là hành vi nghiêm cấm theo quy định của pháp luật, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng và bị buộc phải buộc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích để ở.

     
    236 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận