Quy định chung về hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp được ghi nhận tại Điều 57 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015. Cụ thể:
"Điều 57. Hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động
1. Sổ bảo hiểm xã hội.
2. Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị tai nạn lao động đối với trường hợp nội trú.
3. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.
4. Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội".
Trước đó, trong Điều 14 của Quyết định 636/QĐ-BHXH năm 2016 quy định hồ sơ và quy trình giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành có quy định hồ sơ đối với tai nạn giao thông (sau đó được hướng dẫn đơn giản thủ tục hơn tại Mục 1 Công văn 3647/BHXH-CSXH năm 2016) gồm:
"Điều 14. Hồ sơ hưởng chế độ TNLĐ
…
6. Trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là TNLĐ thì có thêm một trong các giấy tờ sau:
6.1. Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông.
6.2. Biên bản tai nạn giao thông của cơ quan công an hoặc cơ quan Điều tra hình sự quân đội".
Nhưng văn bản này đã hết hiệu lực vào ngày 01/05/2019 và được thay thế bởi Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019 về Quy trình giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, chi trả chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành (tại khoản 1.2.1 của văn bản này) lại không đề cập đến Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông. Nên về bản chất, khi nộp hồ sơ chúng ta không cần phải có "Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông". Nhưng để có được đầy đủ hồ sơ tại Điều 57 của Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 thì chúng ta không thể nào không có xác nhận của công an giao thông về vụ việc tại nạn lao động.