Có được đổi họ con sang họ của cha dượng không?

Chủ đề   RSS   
  • #613764 05/07/2024

    xuanuyenle
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam
    Tham gia:02/08/2022
    Tổng số bài viết (2349)
    Số điểm: 80780
    Cảm ơn: 84
    Được cảm ơn 1689 lần
    ContentAdministrators
    SMod

    Có được đổi họ con sang họ của cha dượng không?

    Thay đổi họ cho con có được không? Thủ tục thay đổi họ cho con sang họ của cha dượng như thế nào? Hồ sơ và các bước cần làm là gì? Hãy cùng nhau tìm hiểu nhé.

    Có đổi họ con sang họ cha dượng được không?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 27 Bộ luật Dân sự 2015 thì cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau đây:

    - Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại;

    - Thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi;

    - Khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ cho người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ;

    - Thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con khi xác định cha, mẹ cho con;

    - Thay đổi họ của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

    - Thay đổi họ theo họ của vợ, họ của chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại họ trước khi thay đổi;

    - Thay đổi họ của con khi cha, mẹ thay đổi họ;

    - Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

    Mặc dù việc đổi họ cho con sang họ của cha dượng không thuộc vào các trường hợp được đổi họ đã nêu trên.

    Tuy nhiên, nếu người cha dượng nhận con riêng của vợ làm con nuôi thì hoàn toàn có thể đổi họ cho con sang họ của mình.

    Như vậy, để đổi họ của con sang họ cha dượng cần làm thủ tục nhận con riêng của vợ làm con nuôi thì khi đó có thể làm thủ tục đổi họ cho con.

    Thủ tục đổi họ cho con sang họ cha dượng

    Để thực hiện điều này, trước tiên cha dượng cần tiến hành thủ tục nhận con riêng của vợ làm con nuôi, sau đó làm thủ tục đổi họ cho con

    Căn cứ theo khoản 3 Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định về điều kiện đối với cha dượng nhận con riêng của vợ làm con nuôi như sau:

    Cụ thể, người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:

    - Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

    - Có tư cách đạo đức tốt.

    Theo đó, người cha dượng cần đáp ứng các điều kiện nêu trên và không thuộc những trường hợp không được nhận con nuôi sau đây:

    - Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

    - Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;

    - Đang chấp hành hình phạt tù;

    - Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

    Lưu ý, việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi, trường hợp nhận trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó.

    Cha mẹ đẻ chỉ được đồng ý cho con làm con nuôi sau khi con đã được sinh ra ít nhất 15 ngày.

    (Điều 21 Luật Nuôi con nuôi 2010)

    Như vậy, muốn đổi họ cho con sang họ của cha dượng thì trước hết cha dượng cần nhận con riêng của vợ làm con nuôi, sau đó làm thủ tục đổi họ cho con theo quy định pháp luật

    Đổi họ cho con cần giấy tờ gì?

    Để thay đổi họ cho con, vấn đề mà nhiều bậc phụ huynh quan tâm hàng đầu đó là đổi họ cho con cần giấy tờ gì. Theo đó, giấy tờ cần chuẩn bị trong trường hợp đổi họ cho con được nêu tại Điều 28 Luật Hộ tịch đang có hiệu lực gồm:

    - Tờ khai yêu cầu thay đổi hộ tịch với nội dung là thay đổi họ.

    - Giấy tờ liên quan khác: Giấy khai sinh của con. Ngoài ra, tuỳ vào từng trường hợp được thay đổi họ, cha mẹ cần cung cấp thêm một số loại giấy tờ gồm:

    + Đăng ký kết hôn (nếu thuộc trường hợp đổi họ theo họ của vợ hoặc chồng nước ngoài khi pháp luật nước đó yêu cầu).

    + Giấy chứng nhận nuôi con nuôi…

    Ngoài ra, khi đi làm thủ tục thay đổi họ cho con, cha mẹ còn cần phải xuất trình Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân để cán bộ công chức tư pháp xác định nhân thân.

    Trên đây là một số thông tin liên quan và hướng dẫn thủ tục thay đổi họ cho con sang họ của cha dượng.

     
    351 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận