Có buộc phải ghi mã số thuế của người mua trên hóa đơn VAT không?

Chủ đề   RSS   
  • #615998 05/09/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 28522
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 604 lần
    SMod

    Có buộc phải ghi mã số thuế của người mua trên hóa đơn VAT không?

    Có buộc phải ghi mã số thuế của người mua trên hóa đơn VAT không? Hóa đơn VAT được sử dụng trong các hoạt động nào? Thời điểm lập hóa đơn VAT là khi nào?

    (1) Có buộc phải ghi mã số thuế của người mua trên hóa đơn VAT không?

    Căn cứ khoản 5 Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP có quy định về tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua hóa đơn như sau:

    - Người mua là cơ sở kinh doanh có MST thì tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua thể hiện trên hóa đơn phải ghi theo đúng tại GCN đăng ký doanh nghiệp, GCN đăng ký hoạt động chi nhánh, GCN đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký thuế, thông báo MST, GCN đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã.

    Trường hợp tên, địa chỉ người mua quá dài, trên hóa đơn người bán được viết ngắn gọn một số danh từ thông dụng như: "Phường" thành "P"; "Quận" thành "Q", "Thành phố" thành "TP", "Việt Nam" thành "VN" hoặc "Cổ phần" là "CP", "Trách nhiệm Hữu hạn" thành "TNHH", "khu công nghiệp" thành "KCN", "sản xuất" thành "SX", "Chi nhánh" thành "CN"… nhưng phải đảm bảo đầy đủ số nhà, tên đường phố, phường, xã, quận, huyện, thành phố, xác định được chính xác tên, địa chỉ doanh nghiệp và phù hợp với đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế của doanh nghiệp.

    - Trường hợp người mua không có MST thì trên hóa đơn không phải thể hiện MST người mua. Một số trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đặc thù cho người tiêu dùng là cá nhân quy định tại khoản 14 Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì trên hóa đơn không phải thể hiện tên, địa chỉ người mua. 

    - Trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho khách hàng nước ngoài đến Việt Nam thì thông tin về địa chỉ người mua có thể được thay bằng thông tin về số hộ chiếu hoặc giấy tờ xuất nhập cảnh và quốc tịch của khách hàng nước ngoài.

    Từ quy định nêu trên, có thể thấy, hiện nay chỉ bắt buộc phải ghi MST của người mua trên hóa đơn VAT trong trường hợp người mua có MST.

    Trường hợp không có thì trên hóa đơn không phải thể hiện MST người mua.

    (2) Hóa đơn VAT được sử dụng trong các hoạt động nào?

    Căn cứ khoản 1 Điều 8 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về loại hóa đơn.

    “Điều 8. Loại hóa đơn

    Hóa đơn quy định tại Nghị định này gồm các loại sau:

    1. Hóa đơn giá trị gia tăng là hóa đơn dành cho các tổ chức khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ sử dụng cho các hoạt động:

    a) Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa;

    b) Hoạt động vận tải quốc tế;

    c) Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;

    d) Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.

    .....”

    Từ dẫn chiếu quy định nêu trên, có thể thấy, hiện nay hóa đơn VAT được sử dụng trong các hoạt động như sau:

    - Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa.

    - Hoạt động vận tải quốc tế.

    - Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu.

    - Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.

    Lưu ý: Hóa đơn VAT được áp dụng đối với các tổ chức khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.

    (3) Thời điểm lập hóa đơn VAT là khi nào?

    Hiện nay, việc xác định thời điểm lập hóa đơn được thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP như sau:

    - Thời điểm lập hóa đơn giá trị gia tăng đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

    - Thời điểm lập hóa đơn giá trị gia tăng đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền.

    - Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.

    Bên cạnh 03 trường hợp như đã nêu trên, còn một số trường hợp cụ thể được quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.

    Theo đó, hiện nay,  việc xác định thời điểm lập hóa đơn được thực hiện theo quy định như đã nêu trên.

     
    208 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận