Đất trồng lúa sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy định tại Nghị định 112/2024/NĐ-CP được thống kê là đất trồng lúa. Để hiểu thêm về cơ chế chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa người đọc có thể tham khảo bài viết sau.
Nguyên tắc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa
Căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 112/2024/NĐ-CP quy định về nguyên tắc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa bao gồm:
- Phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Trồng trọt năm 2018;
- Chỉ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa sang cây trồng lâu năm đối với đất trồng lúa còn lại;
- Không được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa tại vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao;
- Phù hợp với Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa do cấp có thẩm quyền ban hành;
- Không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi, công trình đê điều, công trình phục vụ trực tiếp sản xuất lúa;
- Không làm ảnh hưởng đến việc canh tác đối với diện tích đất trồng lúa liền kề.
Theo đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa được thực hiện theo các nguyên tắc trên.
Ngoài ra, việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản thì được sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng nuôi trồng thủy sản với độ sâu không quá 120 cen-ti-mét so với mặt ruộng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định loại cây trồng lâu năm được chuyển đổi, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa
Theo Điều 7 Nghị định 112/2024/NĐ-CP, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa được quy định như sau:
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật, đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp huyện và đề nghị của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp cấp tỉnh, ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa phạm vi toàn tỉnh theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 112/2024/NĐ-CP; thời gian ban hành trước 30 tháng 11 năm trước của năm kế hoạch.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ vào Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp xã và đề nghị của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp cấp huyện, ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa phạm vi toàn huyện theo mẫu Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 112/2024/NĐ-CP; thời gian ban hành trước ngày 15 tháng 12 năm trước của năm kế hoạch.
- Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt và nhu cầu chuyển đổi của người sử dụng đất trồng lúa, ban hành Kế hoạch chuyển đổi trên địa bàn xã theo mẫu Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 112/2024/NĐ-CP; thời gian ban hành trước ngày 30 tháng 12 năm trước của năm kế hoạch.
Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng lúa để ban hành và thực hiện Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa phạm vi thẩm quyền.
Như vậy, để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa thì đất đó phải đáp ứng các nguyên tắc chuyển đổi cơ cấu và có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa phù hợp.