Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn - Minh họa
Bộ Tư pháp vừa tổ chức cuộc để trao đổi, thảo luận, cho ý kiến đối với Hồ sơ dự thảo Nghị định quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn (thay thế Nghị định 111/2013/NĐ-CP). Sau đây là một số nội dung đáng chú ý tại Dự thảo này.
1. Về Trình tự, thủ tục lập hồ sơ, xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và biện pháp quản lý tại gia đình
Thứ nhất, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC đã bỏ quy định về “kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị” là một bước trong trình tự, thủ tục trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị sẽ phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ đề nghị.
Chính vì vậy, một nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định thay đổi so với Nghị định 111/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 56/2016/NĐ-CP) là các quy định về công việc kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị do công chức - tư pháp hộ tịch đảm nhận được bãi bỏ để bảo đảm phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC.
Thứ hai, do Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC đã bỏ đối tượng là người nghiện ma túy mà thay vào đó là người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy đến lần thứ ba là một trong những đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đồng thời, để có sự kết nối với Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, dự thảo Nghị định cũng đã bỏ quy định thu thập tài liệu về xác định tình trạng nghiện, mà thay vào đó là bổ sung một quy định riêng về việc những đối tượng là người sử dụng trái phép chất ma túy hoặc đối tượng đang trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy đều được xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và xác định tình trạng nghiện theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy.
2. Về Thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn và quyết định quản lý tại gia đình
Đối với quyết định giáo dục dục tại xã, phường, thị trấn
Thứ nhất, khoản 7 Điều 90 Luật XLVPHC được sửa đổi, bổ sung đã quy định: Người từ đủ 18 tuổi trở lên đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy mà không có nơi cư trú ổn định thì giao cho UBND cấp xã nơi phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy lần thứ ba tổ chức quản lý.
Do đó, dự thảo Nghị định bổ sung quy định về việc “quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục là người không có nơi cư trú ổn định” (Điều 26 dự thảo Nghị định), trong đó quy định Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn sẽ giao Công an xã thực hiện việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục, đồng thời, giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể việc tổ chức thực hiện việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung về kế hoạch quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục, nội dung, hình thức giáo dục, cam kết của người được giáo dục để bảo đảm thực hiện việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ đối tượng là người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy lần thứ ba không có nơi cư trú ổn định; bỏ quy định người được giáo dục hằng tháng phải báo cáo bằng văn bản với người được phân công giúp đỡ về tình hình học tập, lao động, rèn luyện, tu dưỡng, kết quả sửa chữa sai phạm và sự tiến bộ của mình;…
Thứ hai, dự thảo Nghị định sửa đổi tên gọi của Điều 35a Nghị định 111/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 56/2016/NĐ-CP) từ “xử lý trường hợp người đang trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm” thành “chấm dứt việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn”.
Để nội dung Điều này bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống ma túy về đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và cai nghiện cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, dự thảo Nghị định đã quy định về các trường hợp người đang trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà bị xác định là người nghiện ma túy thì Chủ tịch UBND cấp xã đã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn sẽ phải ra quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi) hoặc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên) theo quy đinh của Luật Phòng, chống ma túy.
Thứ ba, dự thảo Nghị định đã bỏ quy định về nghĩa vụ của người được giáo dục “hàng tháng phải báo cáo bằng văn bản với người được phân công giúp đỡ về tình hình học tập, lao động, rèn luyện, tu dưỡng, kết quả sửa chữa sai phạm và sự tiến bộ của mình” do nội dung này thực tế không mang lại hiệu quả, hơn nữa, nhiều đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn không biết đọc, biết viết, gây khó khăn trong quá trình áp dụng trong thực tiễn.
Đối với quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình
Thứ nhất, tương tự như biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, để phù hợp với Luật Phòng, chống ma túy, dự thảo Nghị định cũng đã bổ sung quy định về trường hợp người chưa thành niên đang trong thời gian chấp hành biện pháp quản lý tại gia đình mà bị xác định là người nghiện ma túy thì Chủ tịch UBND cấp xã đã ra quyết định áp dụng biện pháp này sẽ ra quyết định chấp dứt việc áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình và lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Thứ hai, dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định về việc “hết thời hạn chấp hành biện pháp quản lý tại gia đình” (Điều 44), theo đó, quy định thời hạn cụ thể mà Chủ tịch UBND cấp xã phải cấp Giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp quản lý tại gia đình.
Ngoài ra, Dự thảo nghị định còn có các Biểu mẫu sử dụng trong áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã phường thị trấn và biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình.
Xem chi tiết các tài liệu của Dự thảo tại file đính kèm.