Đó là nội dung tại Thông tư hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế đang được Bộ Tài chính dự thảo lấy ý kiến đóng góp. Theo đó, có một số điểm mới nổi bật sau:
1. Mã hóa các thông tin để thực hiện giao dịch
- Mã giao dịch điện tử là một dãy các ký tự được mã hoá theo một nguyên tắc thống nhất để ghi nhận giao dịch của người nộp thuế trên cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế.
Mã giao dịch điện tử là duy nhất để nhận biết, xác định, tra cứu theo từng giao dịch của người nộp thuế và được quản lý thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
- Mã xác thực giao dịch điện tử là mật khẩu dùng một lần được sử dụng khi người nộp thuế là cá nhân (trường hợp chưa được cấp chứng thư số) thực hiện giao dịch điện tử.
Mật khẩu này được gửi từ Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế đến số điện thoại của người nộp thuế đã được đăng ký qua “tin nhắn”.
2. Đã thực hiện khai thuế điện tử thì phải thực hiện các giao dịch khác với cơ quan thuế bằng phương thức điện tử
3. Chưa có chứng thư số vẫn có thể giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế
Đó là các trường hợp:
- Người nộp thuế là cá nhân được sử dụng mã xác thực giao dịch điện tử trong trường hợp chưa được cấp chứng thư số.
- Người nộp thuế sử dụng dịch vụ đăng ký thuế lần đầu (cấp mới mã số thuế).
- Người nộp thuế khi thực hiện thủ tục nộp thuế điện tử bằng hình thức giao dịch với ngân hàng thông qua các kênh giao dịch điện tử (Internet, Mobile, ATM, POS và các kênh giao dịch điện tử khác) mà ngân hàng có qui định khác.
4. Chứng từ điện tử có giá trị tương đương chứng từ bằng giấy
Đống thời, chứng từ điện tử bao gồm:
- Hồ sơ thuế điện tử gồm: Hồ sơ đăng ký thuế, hồ sơ khai thuế, hồ sơ hoàn thuế và các hồ sơ, báo cáo khác về thuế theo qui định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn theo phương thức điện tử.
- Chứng từ nộp thuế điện tử gồm: Giấy nộp tiền và chứng từ nộp tiền vào ngân sách nhà nước dưới dạng điện tử theo qui định của Bộ Tài chính có chữ ký số của người nộp thuế, ngân hàng thương mại, Cơ quan Thuế và tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN (trường hợp nộp thuế điện tử qua T-VAN) trừ trường hợp nộp thuế qua hình thức giao dịch điện tử của ngân hàng.
- Các văn bản khác của Cơ quan Thuế, người nộp thuế dưới dạng điện tử.
5. Gửi thông báo xác nhận hay lý do hồ sơ không hợp lệ đến người nộp thuế chậm nhất 3 phút kể từ khi người nộp thuế gửi đến.
Hiện nay quy định thời gian này kéo dài đến 15 phút.
Đồng thời quy định ngày nộp thuế điện tử là ngày người nộp thuế thực hiện giao dịch trích tiền từ tài khoản của mình tại ngân hàng thương mại hay tổ chức tín dụng để nộp thuế và đã được ngân hàng, tổ chức tín dụng chấp nhận thanh toán, xác nhận giao dịch thành công.
Căn cứ thời gian này để cơ quan thuế, tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN ra quyết định xử phạt hành chính với trường hợp chậm nộp thuế.
6. Sẽ không xử phạt về việc chậm nộp nếu Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế gặp sự cố trong thời gian nộp thuế
7. Thêm kênh thực hiện khai thuế điện tử
Ngoài việc khai thuế điện tử trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế, bằng phần mềm hỗ trợ thì còn có thể khai thuế thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN.
8. Siết chặt điều kiện ngân hàng tham gia phương thức nộp thuế điện tử của người nộp thuế
Ngoài 2 điều kiện tại Thông tư 180/2010/TT-BTC, bổ sung thêm 2 điều kiện:
- Đáp ứng đầy đủ các điều kiện để tham gia phối hợp thu ngân sách nhà nước; có phần mềm ứng dụng thu ngân sách nhà nước được kết nối trực tiếp với Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế.
- Có giải pháp kỹ thuật về an toàn, bảo mật đảm bảo ghi nhận và truyền tải được đầy đủ thông tin nộp thuế của người nộp thuế theo qui định tham gia phối hợp thu ngân sách nhà nước hiện hành.
9. Quy trình nộp thuế điện tử
Bước 1: Lập giấy nộp tiền điện tử
- Nếu nộp qua Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế: truy cập vào Cổng thông tin, lập giấy, ký điện tử và gửi đến Cổng thông tin.
- Nếu nộp qua tổ chức I-VAN: ký điện tử và gửi giấy nộp tiền điện tử, tổ chức T-VAN phải ký điện tử và gửi đến Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế.
- Nếu nộp qua ngân hàng: theo hướng dẫn của ngân hàng nơi người nộp thuế mở tài khoản.
Bước 2: Tiếp nhận và xử lý chứng từ điện tử
- Nếu nộp qua Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế, cơ quan có trách nhiệm kiểm tra và gửi Thông báo đến người nộp thuế kèm theo mã xác thực giao dịch hay thông báo lý do nộp tiền không hợp lệ.
- Nếu nộp qua tổ chức T-VAN thì Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế gửi đến tổ chức này để gửi cho người nộp thuế.
- Nếu nộp qua ngân hàng thương mại, ngân hàng này có trách nhiệm kiểm tra thông tin và điều kiện trích nợ.
Nếu không đủ điều kiện thì ngân hàng này gửi Thông báo đến Cổng thông tin điện tử hoặc hiển thị thông báo trên màn hình giao dịch giữa người nộp thuế và ngân hàng. Cổng thông tin điện tử tiếp nhận và chuyển đến địa chỉ thư điện tử hay gửi thông báo đến số điện thoại của người nộp thuế để thông báo nộp thuế chưa thành công.
Nếu đủ điều kiện, ngân hàng trích nợ theo thông tin của người nộp thuế và thực hiện. Sau đó, ngân hàng báo cho người nộp thuế về giao dịch thành công, đồng thời gửi đến Cổng thông tin để lưu trữ và tra cứu.
Bước 3: Lưu trữ, tra cứu chứng từ nộp thuế điện tử
Chứng từ nộp thuế điện tử được lưu tại Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế, người nộp thuế có thể truy cập vào Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế để tra cứu.
Xem chi tiết nội dung Thông tư tại đây.