Chủ nghĩa Cộng sản là gì? Chủ nghĩa Cộng sản trong thời kỳ hội nhập, đổi mới

Chủ đề   RSS   
  • #608777 21/02/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 26758
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 553 lần
    SMod

    Chủ nghĩa Cộng sản là gì? Chủ nghĩa Cộng sản trong thời kỳ hội nhập, đổi mới

    Khi nền kinh tế bao cấp dần bộc lộ ra nhiều hạn chế, dẫn đến trì trệ và khủng hoảng. Bằng cách áp dụng lý thuyết đổi mới, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu "xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc" để phù hợp với thời đại.

    Chủ nghĩa cộng sản là gì? Chủ nghĩa cộng sản là một hình thái kinh tế xã hội và hệ tư tưởng chính trị ủng hộ việc thiết lập xã hội phi nhà nước, không giai cấp, tự do, bình đẳng, dựa trên sự sở hữu chung và điều khiển chung đối với các phương tiện sản xuất nói chung. Trong xã hội cộng sản, các quyết định về việc sản xuất cái gì và theo đuổi những chính sách gì được lựa chọn một cách dân chủ, cho phép mọi thành viên của xã hội tham gia vào quá trình quyết định trong cả hai lĩnh vực chính trị và kinh tế. Việc sản xuất và phân phối của cải được tiến hành công bằng giữa các công dân. 

    (1) Nét độc đáo và tầm quan trọng của lý thuyết đổi mới

    Lý thuyết đổi mới không đơn thuần chỉ là áp dụng nguyên lý sách vở, mà còn là sự vận dụng sáng tạo, độc lập dựa trên nền tảng của Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, nó là sự kết hợp nhu cầu nội tại của đất nước với xu thế phát triển chung của thời đại. 

    Đổi mới là công cuộc giải phóng con người khỏi tư duy cũ, hành động cũ với mục đích là thoát khỏi cơ chế bao cấp trì trệ, hướng đến nhận thức đúng đắn về chủ nghĩa xã hội khoa học. Các đơn vị lãnh đạo cần nhận thức rõ đổi mới là vấn đề sống còn của đất nước, nhưng đồng thời phải đảm bảo không đi chệch hướng Xã Hội Chủ Nghĩa. 

    Mục tiêu của đổi mới là tìm ra mô hình chủ nghĩa xã hội phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam, tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm quốc tế nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng. Ngoài ra, còn phải cân nhắc đặc điểm dân tộc để xác lập hình thức và bước đi cụ thể. Đây cũng chính là nét độc đáo làm nên giá trị thời đại của lý thuyết đổi mới Việt Nam. Hàng chục năm đổi mới đã chứng minh tính đúng đắn của lý thuyết này. 

    Song song với đó, việc đổi mới phải đi cùng với ổn định chính trị, đây là điều kiện tiên quyết để tạo nên sự phát triển. Quá trình đổi mới là quá trình tìm tòi, phát huy dân chủ và sáng tạo, nhưng vẫn kiên định mục tiêu xây dựng và bảo vệ đất nước, gắn với chăm lo hạnh phúc cho con người. Mục tiêu được đề ra phải phù hợp với xu thế tiến bộ của toàn xã hội Việt Nam nói riêng và thế giới hiện nay nói chung, hướng đến sự hài hòa giữa nhu cầu con người với thiên nhiên, cộng đồng, giữa lợi ích của từng dân tộc với các dân tộc khác. Mở cửa và hội nhập quốc tế là một trong những vấn đề cơ bản của lý thuyết đổi mới. Đây là thể hiện của quan điểm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, mà chúng ta cần tiếp tục phát huy trong quá trình đổi mới đất nước.

    (2) Mối liên hệ giữa Chủ nghĩa Cộng sản và Lý thuyết đổi mới

    Chủ nghĩa Cộng sản ban đầu được xây dựng bởi Marx và F. Engels, sau đó mới được Lenin thừa hưởng và áp dụng phát triển vào những điều kiện lịch sử mới. Chủ nghĩa Cộng sản có thể được hiểu là một hệ thống quan điểm mang tính duy vật và khoa học, giúp hiểu rõ về thế giới và vị trí của con người trong đó. Đồng thời, nó đóng vai trò như một khoa học nghiên cứu những quy luật chung chi phối sự phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy, đặc biệt là quy luật về sự phát triển sức sản xuất xã hội. 

    Về mặt kinh tế - xã hội, “chủ nghĩa cộng sản thuần túy” được xây dựng bởi Marx và F. Engels hướng đến một cấu trúc xã hội mới mẻ, nơi không còn sự phân chia giai cấp hay nhà nước. Thay vào đó, xã hội Cộng sản đề cao sự bình đẳng cho mọi người, dựa trên nền tảng sở hữu chung và điều khiển chung đối với các phương tiện sản xuất và tài sản.

    Và như đã đề cập tại mục (1) Lý thuyết đổi mới là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Cộng sản vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Do đó, các phương thức thực hiện đổi mới đều dựa trên nền tảng các nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Cộng sản như vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, vai trò chủ đạo của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân. Đồng thời, động lực của lý thuyết đổi mới còn được xây dựng dựa trên những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Cộng sản là lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý chí quyết tâm, tinh thần tự lực, tự cường.

    Có thể thấy, Chủ nghĩa Cộng sản và lý thuyết đổi mới đều hướng tới mục tiêu chung là xây dựng nên một xã hội phát triển, công bằng và bình đẳng. Tuy nhiên, bằng việc áp dụng lý thuyết đổi mới để phù hợp với thời đại, những mục tiêu này được cụ thể hóa thành những nhiệm vụ trọng tâm như: Phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế và giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia.

    Có thể thấy, Chủ nghĩa Cộng sản vẫn luôn là kim chỉ nam trong công cuộc xây dựng đất nước. Lý thuyết đổi mới chỉ là sự vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Cộng sản vào điều kiện cụ thể của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Từ đó, mới có thể đưa Việt Nam vươn lên từ một nước nghèo, lạc hậu trở thành một nước đang phát triển có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.

     
    10311 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận