Về câu hỏi của bạn mình xin có ý kiến như sau:
- Theo như bạn trình bày thì hợp đồng trên được thực hiện giữa Công ty TNHH Quốc Tâm và ông nội của bạn (ông đã 80 tuổi và có dấu hiệu mắt kém, tai nghe không rõ). Trường hợp này có thể áp dụng Khoản 1 Điều 125 Bộ luật dân sự 2015 để tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu.
Khoản 1 Điều 125 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:
"Điều 125. Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện
1. Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này."
Theo quy định trên thì trong trường hợp chứng minh được ông nội của bạn gặp khó khăn trong nhận thức cần có người đại diện thực hiện giao dịch thì bạn có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch trên vô hiệu.
- Trong trường hợp ông của bạn hoàn toàn minh mẫn và không cần phải có người đại diện thực hiện giao dịch thì có thể áp dụng thì bạn có thể áp dụng Điều 127 Bộ luật dân sự 2015 để tuyên bố giao dịch trên vô hiệu.
Điều 127 Bộ luật dân sự quy định như sau:
"Điều 127. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép
Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
Như bạn trình bày ở trên thì công ty Quốc Tâm đã có hành vi cố tình làm cho ông nội bạn hiểu sai về nội dung hợp đồng dẫn đến việc ông đã ký hợp đồng đó. Nên bạn có thể yêu cầu Tòa án áp dụng quy định trên để tuyên bố giao dịch trên vô hiệu.
- Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu: (Điều 131 Bộ luật dân sự)
"1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường."