“Chồng tổ lái, vợ gà mái nuôi con” là gì? Chạy vượt quá tốc độ quy định bị phạt bao nhiêu?

Chủ đề   RSS   
  • #615784 29/08/2024

    “Chồng tổ lái, vợ gà mái nuôi con” là gì? Chạy vượt quá tốc độ quy định bị phạt bao nhiêu?

    Câu tục ngữ “Chồng tổ lái, vợ gà mái nuôi con” có nghĩa là gì? Pháp luật quy định mức xử phạt đối với hành vi chạy vượt quá tốc độ quy định là bao nhiêu tiền?

    "Chồng tổ lái, vợ gà mái nuôi con" là gì?

    “Chồng tổ lái, vợ gà mái nuôi con” là một trong những ca dao, tục ngữ nói về an toàn giao thông. Câu nói này mang ý nghĩa là lái xe với tốc độ cao và không tập trung, chú ý khi tham gia giao thông sẽ rất dễ gây tai nạn và hậu quả xảy đến có thể là mạng người.

    Cụ thể trong đó, câu nói “Chồng tổ lái, vợ gà mái nuôi con” sử dụng người "chồng", người "vợ" và đứa con để khắc họa nên hình ảnh một gia đình. Từ "tổ lái" thường được sử dụng trong lĩnh vực giao thông, trong ngữ cảnh này "tổ lái" mang ý nghĩa châm biếm những người điều khiển phương tiện giao thông, như ô tô, xe máy, hoặc các loại xe khác mà phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách khi tham gia giao thông. Và "gà mái nuôi con" thường được dùng để chỉ người vợ đơn độc trong hoàn cảnh gia đình đơn chiếc, phải một mình gồng gánh gia đình, nuôi con khôn lớn.

    “Chồng tổ lái, vợ gà mái nuôi con” dùng để chỉ những người điều khiển phương tiện giao thông không chú ý an toàn, không tuân thủ quy định pháp luật để rồi phải trả giá bằng sức khỏe, thậm chí là tính mạng của mình và mang lại gánh nặng cho gia đình và người thân. Đặc biệt còn dùng để nhắc nhở những người chồng, người cha khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông cần chú ý an toàn không chỉ vì bảo vệ chính bản thân mình mà còn vì trách nhiệm với vợ và con và gia đình mình. Không để xảy ra hậu qua đáng tiếc, vợ con sẽ không phải rơi vào cảnh đơn độc, gia đình tan vỡ.

    Theo quy định pháp luật về tham gia giao thông thì hành động điều khiển phương tiện giao thông, vượt nhanh, phóng ẩu với tốc độ cao hơn mức cho phép trên đoạn đường là một trong những hành vi bị nghiêm cấm, có thể dẫn đến nguy hiểm cho bản thân và người khác. Đối với trường hợp vi phạm sẽ bị phạt tiền theo mức xử phạt tương ứng. 

    Qua đó, câu tục ngữ “Chồng tổ lái, vợ gà mái nuôi con” nhắc nhở người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông phải luôn luôn chú ý đến tốc độ, quan sát cẩn thận trong mọi tình huống, tránh vội vàng phóng nhanh vượt ẩu sẽ dễ gây tai nạn đáng tiếc. Khuyên chúng ta cần phải biết kiểm soát tốc độ khi tham gia giao thông, tránh trường hợp vượt quá tốc độ cho phép sẽ dẫn đến bị xử phạt hoặc nặng hơn là gây nguy hiểm cho tính mạng của chính người điều khiển phương tiện và những người tham gia giao thông khác. Không chỉ vậy, chú ý an toàn khi tham gia giao thông còn thể hiện trách nhiệm của mình với gia đình và người thân.

    Chạy vượt quá tốc độ quy định bị phạt bao nhiêu?

    Căn cứ khoản 11 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008, điều khiển ô tô, xe máy chạy quá tốc độ quy định là hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật hiện hành.

    Mức xử phạt đối với xe ô tô có hành vi chạy vượt quá tốc độ quy định 

    - Phạt tiền từ 8 trăm nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h (điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

    - Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h (điểm i khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại điểm đ khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

    Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng (điểm b khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

    - Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h (điểm a khoản 6 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

    Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng (điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

    - Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h (điểm c khoản 7 Điều 5  Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

    Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng (điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

    Mức phạt lỗi chạy quá tốc độ với với mô tô, xe gắn máy

    - Phạt tiền từ 3 trăm nghìn đồng đến 4 trăm nghìn đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h (điểm c khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi điểm k khoản 34 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

    - Phạt tiền từ 8 trăm nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h (điểm a khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi điểm g khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

    - Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h (điểm a khoản 7 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

    Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng (điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

    Mức phạt lỗi chạy quá tốc độ với máy kéo, xe máy chuyên dùng

    - Phạt tiền từ 4 trăm nghìn đồng đến 6 trăm nghìn đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5km/h đến 10km/h (điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

    - Phạt tiền từ 8 trăm nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10km/h đến 20km/h (điểm a khoản 4 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

    Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng (điểm a khoản 10 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

    - Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20km/h (điểm b khoản 6 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

    Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 02 tháng đến 04 tháng (điểm b khoản 10 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

    Như vậy, "Chồng tổ lái, vợ gà mái nuôi con” nhằm phản ánh hành vi phóng nhanh vượt ẩu, không chú ý an toàn khi tham gia giao thông để gây ra hậu quả nặng nề. Người có hành vi vi phạm khi tham gia giao thông, cụ thể là chạy vượt quá tốc độ cho phép sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật.

     
    123 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận