Pháp luật hôn nhân gia đình quy định không cho phép người chồng có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai (quy định tại khoản 3 Điều 52 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014). Tuy nhiên, trong trường hợp cá biệt khi vợ chồng không thể sinh con tự nhiên mà phải áp dụng phương thức nhờ người khác mang thai hộ, câu hỏi đặt ra: Vậy liệu người chồng có được quyền ly hôn khi người mang thai hộ đang mang bầu? Hay nói cách khác, người chồng có bị tước quyền yêu cầu ly hôn như trong trường hợp này giống như khi người vợ mang thai hay không?
Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn giải đáp thắc mắc trên.
Trước hết, chúng ta có thể lý giải việc pháp luật quy định “không cho phép người chồng có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai” là nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi cho người mẹ đang mang thai và cũng là đảm bảo sự phát triển toàn diện, lành mạnh của thai nhi. Bởi, ly hôn chính là việc việc chấm dứt quan hệ vợ chồng và điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người mẹ, cũng từ đó tác động không tốt đến quá trình phát triển của đứa trẻ trong bụng. Để tránh những tác động xấu đến cả người mẹ và thai nhi thì việc cấm người chồng có quyền yêu cầu ly hôn là việc đúng đắn và hợp tình hơn cả.
Xét trong trường hợp vợ chồng tiến hành nhờ người mang thai hộ, người mang thai và sinh con là người mang thai hộ nên trong khoảng thời gian đang nhờ mang thai hộ, người vợ không được xác định là người đang mang thai và sinh con. Mặt khác, chúng ta thấy rằng rõ ràng pháp luật cũng đã có sự điều chỉnh đối với quyền yêu cầu ly hôn đối với chồng của người mang thai hộ. Theo đó, người chồng này không được quyền yêu cầu ly hôn vợ - người mang thai hộ khi mà người vợ đang có bầu. Có thể thấy, pháp luật chỉ quy định cứ nếu người vợ đang mang thai thì người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không giới hạn phạm vi chỉ khi người vợ mang thai đứa con của chồng thì chồng mới không có quyền đó. Điều này là nhằm đảm bảo quyền lợi một cách tuyệt đối cho cả đứa trẻ và người vợ.
Bên cạnh đó, tại Điều 94 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về thời điểm xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có quy định:
Điều 94. Xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra.
|
Và khoản 2 Điều 98 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cũng quy định về quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như sau:
Điều 98. Quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
2. Quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đối với con phát sinh kể từ thời điểm con được sinh ra.
|
Theo đó, chỉ “từ thời điểm đứa trẻ được sinh ra” thì đứa trẻ đó mới được xác định là con chung của người vợ chồng nhờ mang thai hộ; còn trước đó, người mang thai hộ và chồng của người mang thai hộ có quyền, nghĩa vụ như cha mẹ trong việc chăm sóc sức khỏe thai nhi.
Dựa vào các căn cứ trên, chúng ta có thể đưa ra kết luận sau: Trong trường hợp nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, cho đến thời điểm trước khi đứa trẻ được sinh ra thì người chồng HOÀN TOÀN CÓ QUYỀN ĐƠN PHƯƠNG YÊU CẦU TÒA ÁN GIẢI QUYẾT LY HÔN với người vợ của mình và đây không thuộc trường hợp cấm quyền yêu cầu ly hôn của người chồng trong trường hợp vợ đang có thai theo khoản 3 Điều 52 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Cập nhật bởi lanbkd ngày 17/05/2018 12:54:01 SA
Cập nhật bởi lanbkd ngày 17/05/2018 12:52:39 SA