Nhiều doanh nghiệp do mới thành lập nên tiền góp vốn vẫn còn nhiều trong khi doanh nghiệp khác lại cùng lúc có nhu cầu muốn vay. Câu hỏi đặt ra là một doanh nghiệp có thể cho doanh nghiệp khác vay tiền không?
Cho vay tiền giữa các doanh nghiệp: Có hợp pháp hay không, cần lưu ý điều gì? - Minh hoạ
Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 222/2013/NĐ-CP và được hướng dẫn bởi được hướng dẫn bởi Thông tư 09/2015/TT-BTC có quy định về hình thức thanh toán trong giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau giữa các doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng.
Cụ thể Khoản 2 Điều 6 Nghị định 222/2013/NĐ-CP quy định:“ Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng không sử dụng tiền mặt khi vay và cho vay lẫn nhau.”
Điều 1 Thông tư 09/2015-BTC quy định phạm vi điều chỉnh của thông tư này bao gồm “hình thức thanh toán của các doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng trong quan hệ vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau trên lãnh thổ Việt Nam.”
Từ những quy định điều chỉnh của pháp luật đối với hình thức vay, cho vay của các doanh nghiệp cho thấy rằng pháp luật thừa nhận việc doanh nghiệp này vay tiền doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên như đã nói ở trên, hình thức vay được pháp luật quy định cụ thể trong điều 3, điều 4 của Thông tư 09/2015/TT-BTC mà cụ thể là việc vay, cho vay, trả nợ vay giữa hai doanh nghiệp không được sử dụng tiền mặt mà chỉ được chấp nhận đưới hình thức:
-Thanh toán bằng Séc;
-Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;
- Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.
Những khoản thuế mà doanh nghiệp cần quan tâm khi vay, cho vay lẫn nhau
1.Thuế giá trị gia tăng
Theo quy định tại điểm b khoản 8 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, trong đó có:
“Hoạt động cho vay riêng lẻ, không phải hoạt động kinh doanh, cung ứng thường xuyên của người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng
Vậy việc các doanh nghiệp cho vay, vay lẫn nhau sẽ không phải chịu thuế giá trị gia tăng.
VD: Công ty cổ phần A có tiền nhàn rỗi tạm thời chưa phục vụ hoạt động kinh doanh, Công ty cổ phần A ký hợp đồng cho Công ty B vay tiền trong thời hạn 6 tháng và được nhận khoản tiền lãi thì khoản tiền lãi Công ty cổ phần A nhận được thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
2. Thuế thu nhập doanh nghiệp
Tại khoản 7 Điều 7 của Thông tư 78/2014/TT-BTC có quy định:
“7. Thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn bao gồm cả tiền lãi trả chậm, lãi trả góp, phí bảo lãnh tín dụng và các khoản phí khác trong hợp đồng cho vay vốn
- Trường hợp khoản thu từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn phát sinh cao hơn các khoản chi trả lãi tiền vay theo quy định, sau khi bù trừ, phần chênh lệch còn lại tính vào thu nhập khác khi xác định thu nhập chịu thuế.
- Trường hợp khoản thu từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn phát sinh thấp hơn các khoản chi trả lãi tiền vay theo quy định, sau khi bù trừ, phần chênh lệch còn lại giảm trừ vào thu nhập sản xuất kinh doanh chính khi xác định thu nhập chịu thuế.”
Theo quy định này, thấy rằng các khoản tiền lãi có được từ việc cho vay sẽ được bù trừ vào các khoản chi trả lãi tiền vay của doanh nghiệp. Trường hợp khoản thu từ lãi cho vay vốn phát sinh cao hơn khoản chi trả lãi tiền vay, sau khi bù trừ, phần chênh lệch còn lại tính vào thu nhập khác khi xác định thu nhập chịu thuế.
Tóm lại, việc doanh nghiệp này cho doanh nghiệp khác vay là không trái pháp luật, tuy nhiên các doanh nghiệp phải đảm bảo hình thức vay, cho vay, trả nợ vay sẽ không được dùng tiền mặt. Việc vay, cho vay giữa các doanh nghiệp không cần phải đóng thuế giá trị gia tăng tuy nhiên số tiền lãi sau khi được bù trừ sẽ là căn cứ xác định thu nhập chịu thuế doanh nghiệp.
Cập nhật bởi lamlinh_2507 ngày 16/11/2021 05:28:34 CH
Cập nhật bởi lamlinh_2507 ngày 16/11/2021 05:24:35 CH
Cập nhật bởi lamlinh_2507 ngày 16/11/2021 05:23:26 CH
Cập nhật bởi lamlinh_2507 ngày 16/11/2021 05:19:51 CH
Cập nhật bởi lamlinh_2507 ngày 15/11/2021 08:45:37 CH
Cập nhật bởi lamlinh_2507 ngày 15/11/2021 08:42:51 CH