Để giúp các doanh nghiệp vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, ngày 23 tháng 01 năm 2009 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 131/QĐ-TTg để hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn Ngân hàng để sản xuất - kinh doanh (“Quyết định 131”). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quyết định này thì Ngân hàng và Doanh nghiệp bắt tay với nhau để cho vay đảo nợ hưởng hỗ trợ lãi suất. Vậy hành vi cho vay đảo nợ trên dưới góc độ pháp lý hiện nay được quy định ra sao?
Đảo nợ là việc khách hàng (doanh nghiệp, cá nhân) vay một khoản vay mới để trả món nợ cũ cho chính Tổ chức tín dụng (“TCTD”) đó hoặc để trả nợ cho TCTD khác. Về bản chất, đây chính là biện pháp cơ cấu lại khoản vay theo thỏa thuận giữa TCTD và khách hàng nhằm tăng khả năng thu hồi nợ. Tuy nhiên, rủi ro ở chỗ các khoản vay được cơ cấu lại có thể tăng lên và ảnh hưởng đến cả hệ thống tín dụng. Vì thế, về lý thuyết, theo quy định hiện hành việc đảo nợ sẽ tuân theo quy định Chính phủ và hướng dẫn về mặt nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trong thực tế, cho đến nay chưa có quy định hướng dẫn về việc đảo nợ.
Trong năm 2009, Nhà nước có chính sách hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất - kinh doanh nhằm giảm giá thành sản phẩm hàng hoá, duy trì sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm, trong điều kiện nền kinh tế bị tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới. Về nguyên tắc, nghiêm cấm mọi hành vi cho vay đảo nợ, gian lận để được hưởng hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 131. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, rất dễ xảy ra hiện tượng cán bộ tín dụng và khách hàng doanh nghiệp cấu kết với nhau để cho vay đảo nợ nhằm hưởng lợi nhuận từ chính sách hỗ trợ lãi suất của Nhà nước.
Theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 3 Thông tư 02/2009/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 03 tháng 02 năm 2009 quy định chi tiết thi hành việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức và cá nhân vay vốn Ngân hàng để sản xuất kinh - kinh doanh (“Thông tư 02”): “Sử dụng vốn vay đúng mục đích thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất đã ghi trong hợp đồng tín dụng. Nếu sử dụng vốn vay không đúng mục đích theo đối tượng hỗ trợ lãi suất, thì không được hỗ trợ lãi suất và phải hoàn trả cho ngân hàng thương mại số lãi tiền vay được hỗ trợ trước đó và bị xử lý theo quy định của pháp luật”. Thông tư 02 cũng quy định: nếu vi phạm là do nguyên nhân chủ quan của Ngân hàng, thì Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc của Ngân hàng đó sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời, Ngân hàng đó bị xem xét trong việc xếp loại hàng năm, bổ sung tăng vốn điều lệ, cấp giấy phép mở và thành lập chi nhánh, các đơn vị trực thuộc.
Ngoài ra, hành vi đảo nợ của Ngân hàng có thể bị xử lý trách nhiệm hành chính về cho vay với hành vi “đảo nợ không theo quy định của pháp luật” quy định tại điểm c, khoản 4, Điều 14 Mục 4 Nghị định số 202/2004/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 10 tháng 12 năm 2004 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động Ngân hàng. Theo đó, hành vi đảo nợ của Ngân hàng có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 VNĐ đến 9.000.000 VNĐ.
Tuỳ theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi cho vay đảo nợ, cán bộ tín dụng của Ngân hàng và lãnh đạo của doanh nghiệp cùng những người có liên quan có thể phải chịu trách nhiệm hình sự (Ví dụ: đồng phạm Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản Điều 139 Bộ luật Hình sự 1999; hoặc Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Điều 140 Bộ luật Hình sự…).
Tuy nhiên, đứng dưới góc độ thực tiễn hiện nay, Ngân hàng sẽ khó kiểm soát được hết việc đảo nợ. Doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp đang trong tình trạng có nợ cũ với lãi suất cao) sẽ tìm mọi cách để vay khoản vay mới với mức lãi suất thấp. Phần lớn Doanh nghiệp này vẫn có thị trường và khả năng trả nợ, vì vậy họ cũng là đối tượng cạnh tranh của thị trường tiền tệ. Nếu doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn theo Quyết định 131 và Thông tư 02, có hồ sơ dự án khả thi, Ngân hàng phải có trách nhiệm cho vay vốn với lãi suất thấp. Nếu không chấp nhận, Doanh nghiệp sẽ vay của Ngân hàng khác với lãi suất thấp và trả nợ cũ cho Ngân hàng. Ngoài ra, chi phí đảo nợ của Doanh nghiệp và Ngân hàng trong nền kinh tế cũng tương đối cao. Để phù hợp với tình hình thực tế này, thiết nghĩ Chính phủ nên khảo sát lại thực tiễn việc cho vay hỗ trợ lãi suất và điều chỉnh lại Quyết định 131 theo hướng: bên cạnh việc cho vay các nhu cầu vốn lưu động phát sinh sau ngày 01 tháng 02 năm 2009 (theo Quyết định 131), cho phép các khoản nợ vốn của doanh nghiệp trước cũng được hỗ trợ lãi suất. Như vậy, sẽ tránh được tình trạng cho vay đảo nợ, hạn chế chi phí vay vốn và tiêu cực, tiết giảm thời gian đưa vốn vào hoạt động sản xuất - kinh doanh./.
(Luật gia, Nhà báo Nguyễn Chấn - Chuyên viên cao cấp tại Hãng Luật sư NewVision)