Việc cho trẻ em ngồi ghế trước ô tô có thể dẫn đến nhiều tình huống không an toàn xảy ra nếu phụ huynh không chú ý đến con em mình. Vậy hiện nay cho trẻ em ngồi ghế trước ô tô có bị phạt không?
Cho trẻ em ngồi ghế trước ô tô có bị phạt không?
Hiện nay các quy định về an toàn giao thông đường bộ vẫn đang thực hiện theo Luật Giao thông đường bộ 2008. Theo đó, tại Điều 9 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định quy tắc chung khi tham gia giao thông đường bộ như sau:
- Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.
- Xe ô tô có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô phải thắt dây an toàn.
Như vậy, hiện nay pháp luật chỉ quy định người ngồi ghế trước ô tô sẽ phải thắt dây an toàn chứ không quy định độ tuổi không được ngồi hàng ghế trước. Theo đó, nếu trẻ em ngồi ghế trước vẫn thắt dây an toàn đầy đủ thì là không vi phạm pháp luật và không bị phạt.
Từ 01/01/2026, trẻ em dưới 10 tuổi không được ngồi hàng ghế trước ô tô
Ngày 27/6/2024, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ chính thức được thông qua và có hiệu lực từ 01/01/2025, thay thế Luật Giao thông đường bộ 2008.
Theo đó, tại Điều 10 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định quy tắc chung khi tham gia giao thông đường bộ từ 01/01/2025 như sau:
- Người tham gia giao thông đường bộ phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định, chấp hành báo hiệu đường bộ và các quy tắc giao thông đường bộ khác.
- Người lái xe và người được chở trên xe ô tô phải thắt dây đai an toàn tại những chỗ có trang bị dây đai an toàn khi tham gia giao thông đường bộ.
- Khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế; người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em.
Đồng thời, tại khoản 1, khoản 2 Điều 88 quy định về hiệu lực thi hành của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ như sau:
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025, trừ trường hợp khoản 3 Điều 10 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026.
Như vậy, nhìn chung đến hết năm 2025, quy tắc chung khi tham gia giao thông đường bộ không có khác biệt quá lớn so với quy định hiện hành. Tuy nhiên kể từ ngày 01/01/2026 thì trẻ em dưới 10 tuổi, cao dưới 1,35 mét sẽ không được ngồi cùng hàng ghế lái (ghế trước) xe ô tô nữa (ngoại trừ xe chỉ có 1 hàng ghế và được sử dụng thiết bị an toàn phù hợp).
Nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ hiện nay?
Theo Điều 4 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ hiện hành như sau:
- Hoạt động giao thông đường bộ phải bảo đảm thông suốt, trật tự, an toàn, hiệu quả; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.
- Phát triển giao thông đường bộ theo quy hoạch, từng bước hiện đại và đồng bộ; gắn kết phương thức vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác.
- Quản lý hoạt động giao thông đường bộ được thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn cụ thể, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp.
- Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
- Mọi hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Như vậy, hiện nay giao thông đường bộ sẽ được hoạt động theo nguyên tắc trên.