Chào Bạn!
Mình mạo muội có một số ý kiến đóng góp để Bạn tham khảo như thế này!
Do Bạn không nhớ rõ thời gian cụ thể xác lập giao dịch này, nên mình không đủ cơ sở để xác định những quy phạm dân sự nào sẽ được sử dụng để điều chỉnh ở đây. Dựa vào những thông tin Bạn nêu, mình tạm giả định giao dịch này được xác lập trước khi Bộ luật Dân sự 2005 có hiệu lực (trước ngày 01-01-2006) và sẽ là đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Dân sự 1995 (có hiệu lực ngày 01-7-1996, sau đây gọi tắt là BLDS 95).
Theo như thông tin bạn cung cấp, và theo quy định của BLDS 95 về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, thì trong trường hợp này tồn tại 02 giao dịch bảo đảm để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ phát sinh từ quan hệ vay nợ của Chị Bạn với Tổ chức cho vay (gọi tắt là TCCV, "tổ chức tín dụng đen" như Bạn nói).
Cụ thể, một là giao dịch bảo lãnh mà trong đó, Bố của Bạn đã đứng ra bảo lãnh cho nghĩa vụ trả nợ của Chị Bạn; Hai là giao dịch thế chấp quyền sử dụng đất thuộc sở hữu của Chị Bạn để bảo đảm cho khoản vay này.
Xét về mặt nội dung của 02 giao dịch bảo đảm này thì cá nhân mình, trên cơ sở nhận định tình tiết bạn đưa ra thì hoàn toàn phù hợp với quy định của BLDS 95 về bảo lãnh và thế chấp. Nhưng còn về mặt hình thức giao dịch bảo đảm, thì vì không đủ thông tin để nhận định, nên mình sẽ nêu ra quy định của pháp luật đối với hình thức 02 loại giao dịch này để bạn theo dõi:
Điều 347. Hình thức thế chấp tài sản
1- Thế chấp tài sản phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính và phải có chứng nhận của Công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
2- Việc thế chấp phải được đăng ký, nếu bất động sản có đăng ký quyền sở hữu.
Điều 367. Hình thức bảo lãnh
Việc bảo lãnh phải được lập thành văn bản có chứng nhận của Công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
Theo đó, trong trường hợp, các giao dịch thế chấp, bảo lãnh này không đáp ứng được các yêu cầu về hình thức, thì với quy định tại Điều 139, Điều 145 BLDS 95, Bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên các giao dịch bảo đảm này vô hiệu (trường hợp này, thời hạn yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu không bị hạn chế). Nếu thực hiện được theo hướng này, hậu quả pháp lý xảy ra sẽ là việc chỉ còn tồn tại quan hệ chính - quan hệ vay nợ giữa Chị Bạn và TCCV kia mà thôi; Như vậy, Bố của Bạn sẽ không còn nghĩa vụ gì liên quan tới quan hệ vay nợ ở đây nữa. Việc có yêu cầu gửi Tòa án tuyên giao dịch vô hiệu tại thời điểm này, sẽ theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004.
Còn nếu trong trường hợp 02 giao dịch bảo đảm này có hiệu lực thì đương nhiên, Bố của Bạn vẫn sẽ có nghĩa vụ theo đúng thỏa thuận trong Văn bản bảo lãnh (không trái với các quy định của pháp luật). Khi đó, để giải quyết hợp lý nhất vụ việc, các bên cần phải ngồi lại, cùng thỏa thuận một phương án xử lý, bởi vẫn còn có giao dịch thế chấp quyền sử dụng đất của Chị Bạn để bảo đảm cho khoản vay này; Đồng thời cũng nên cố gắng tránh những xung đột quá mức, sẽ dẫn tới những hậu quả không lường!
Chúc Bạn may mắn!