Mới đây, Công an TP.HCM đã báo cáo Bộ Công an về việc quản lý, huấn luyện “hiệp sĩ đường phố” hoạt động như mô hình dịch vụ bảo vệ phi lợi nhuận.
TheoTrung tướng Lê Đông Phong - Giám đốc Công an TP.HCM lý giải rằng: “Chúng tôi rất quan tâm đến lực lượng này, trong đó có bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng; định hướng, động viên, khuyến khích họ hoạt động theo mô hình toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa phương. Quan trọng là đảm bảo an toàn cho họ về tính mạng sức khỏe; huấn luyện để họ trở thành “cánh tay nối dài”, “tai mắt” - những cộng sự tích cực của lực lượng công an. Nhưng họ phải tuân thủ pháp luật. Chúng tôi mong ước, mỗi công dân là mỗi chiến sĩ công an”.
Nói về tính “hai mặt” của “hiệp sĩ đường phố”, trung tướng Lê Đông Phong dẫn ra những trường hợp chính các “hiệp sĩ” bị “gài” để rồi có thể dính vào tội “cưỡng đoạt tài sản” vì thiếu kiến thức pháp luật. Bên cạnh việc bắt nhầm, một số vụ việc bắt đúng nhưng xử lý không tốt gây ra hậu quả chết người.
Trung tướng Phong cũng cho rằng: “Xem các nhóm hiệp sĩ như mô hình dịch vụ bảo vệ phi lợi nhuận vì chúng ta có dịch vụ công ty bảo vệ. Trên cơ sở này mới có tư cách pháp lý để công an đào tạo họ và cho phép họ sử dụng một số công cụ hỗ trợ nhất định”. Công an TP cũng khuyến cáo, người tham gia mô hình “hiệp sĩ đường phố” cần phải xác định đây là công việc nguy hiểm và phải có những giới hạn. Người tham gia cần hiểu về quyền, pháp lý và năng lực của mình ở nhiều vụ việc tới đâu là dừng và phải báo công an, có sự hiện diện của công an.
Vậy, nên hay không nên tổ chức chính danh “Hiệp sĩ đường phố' thành dịch vụ bảo vệ phi lợi nhuận?
Hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều xoay quay chuyện có nên duy trì biệt đội hiệp sĩ đường phố để tham gia bắt giữ, phòng chống tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn trật tự cho người dân.
Tuy rằng, hành động hỗ trợ lực lượng công an trấn áp tội phạm của người dân khi có điều kiện trong trường phát hiện tội phạm quả tang đã được ghi nhận tại Điều 111 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:
Bắt người phạm tội quả tang
1. Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
2. Khi bắt người phạm tội quả tang thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt.
|
Nhưng… điều đáng lưu ý trong khía cạnh khi xây dựng đội ngũ “Hiệp sĩ thành phố” thành dịch vụ bảo vệ phi lợi nhận thì dường như NGHĨA VỤ trấn áp tội phạm của công an, chính quyền đã được giao lại cho một tổ chức phi lợi nhuận “gánh thay nghĩa vụ”.
Có 02 luồng quan điểm xoay quanh vấn đề này, theo đó:
QUAN ĐIỂM THỨ NHẤT: KHÔNG NÊN
Chúng ta không thể phủ nhận được rằng các mô hình đội quân “hiệp sĩ đường phố” này đã có những đóng góp tích cực nhất định nào đó trong công cuộc hỗ trợ lực lượng Công an bắt giữ tội phạm, bảo vệ an toàn, an ninh trật tự cho người dân.
Tuy nhiên, Công an nhân dân mới chính là lực lượng nòng cốt, lực lượng trọng tâm trong công cuộc bảo vệ an ninh, trật tự xã hội và trấn áp tội phạm. Bởi vì họ là lực lượng mang quyền lực nhà nước, được giao nhiệm vụ này và điều đó cũng đã được ghi nhận trong các văn bản pháp lý liên quan.
Mình cũng xin nói đến vấn đề có nhiều bạn chỉ trích, chửi rủa lực lượng công an với những lời nói đại loại như: Khi hiệp sĩ bắt cướp thì lực lượng Công an lại ở đâu? Tại sao Công an không phát hiện để trấn áp kịp thời được như những người hiệp sĩ? Điều này thể hiện sự kém cỏi, bất lực của lực lượng Công an Việt Nam…Các bạn nên biết, thường thì những người hiệp sĩ đường phố thường làm công việc lưu động như: xe ôm, chở hàng nên dễ dàng phát hiện và truy bắt tội phạm ở mọi địa bàn; còn Công an nhân dân về nguyên tắc sẽ phát hiện, bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang… theo địa bàn mà mình quản lý. Vậy chả lẽ chúng ta phải thiết lập “1 công an kèm 1 người dân” để theo dõi và kịp thời phát hiện, bắt giữ tội phạm à? Điều này là không thể và cũng sẽ không bao giờ làm được. Mặc dù thế, chúng ta vẫn cần nghiêm khắc nhìn nhận những thiếu sót trong công tác phòng, chống tội phạm của lực lượng công an nhân dân hiện nay và tổ chức này cần có kế hoạch, biệp pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm trong thời gian tới, đặc biệt đối với những khu vực nhiễu loan, ngày càng “bành trướng” nhiều nạn trộm cắp, cướp giật, các tệ nạn xã hội,…
Mặt khác, dù là mang danh nghĩa "hiệp sĩ đường phố" của tổ chức phi lợi nhuận nhưng xuất phát điểm họ vẫn là dân thường nên khi xảy ra tình huống không hay, không ai mong muốn cả như việc: gây thương tích hay thậm chí gây chết người trong khi tiến hành trấn áp, bắt giữ tội phạm thì họ vẫn phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật với tư cách như bất cứ một công dân bình thường nào chứ không phải với tư cách là “người thi hành công vụ”. Chính bởi vậy, khi xem xét trách nhiệm họ cũng không được coi là thi hành công vụ và cũng sẽ không thể nào được xem xét miễn trách nhiệm với tư cách người thi hành công vụ nếu trong trường hợp cho phép được.
Vậy, câu hỏi đặt ra là khi đưa “hiệp sĩ đường phố” vào hoạt động chính danh thì họ được hưởng quyền lợi như thế nào, ngoài chuyện được trang bị thêm công cụ, huyến luyện thêm nghiệp vụ hỗ trợ công an trấn áp tội phạm???
QUAN ĐIỂM THỨ HAI: NÊN
Những người theo quan điểm này lại cho rằng: Khi cục diện tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội ngày càng đáng lo ngại, phức tạp, rối ren vô cùng như hiện nay thì lực lượng Công an nhân dân còn mỏng, trang thiết bị còn thiếu và công tác tổ chức chưa thực sự bao quát được toàn diện địa phương. Do đó, dù luôn cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng rõ ràng những tình hình tội phạm thì tôi vẫn tồn tại rất nhiều. Bởi vậy, trong bối cảnh như thế, những thanh niên khỏe mạnh đã tự nguyện tập hợp với nhau cùng làm việc nghĩa hiệp bảo vệ trật tự trị an là điều nên làm, đây sẽ là là cánh tay nối dài của lực lượng Công an. Và lực lượng hiệp sĩ này sẽ góp phần giải quyết được kịp thời, nhanh chóng việc trấn áp tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự xã hội, bảo vệ tài sản cho người dân xung quanh. Và điều quan trọng là họ đã tự nguyện hành động, xuất phát từ chính tấm lòng trượng nghĩa, sự hy sinh cao cả cho mục đích chung, vì cộng đồng và vì mọi người xung quanh, vì cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Cho nên, chúng ta cần tôn trọng quyết định của họ và ghi nhận những đóng góp lớn lao họ đã là, sẽ làm và có thể làm.
Ngoài ra, việc đề xuất quy các “hiệp sĩ đường phố ở thành phố” về một mối, như mô hình dịch vụ bảo vệ phi lợi nhuận là hợp lý. Vì khi trở thành thành viên hoặc người lao động của doanh nghiệp (DN) xã hội thì ít nhất các hiệp sĩ được chính danh làm việc, có khoản thu nhập hợp pháp; quan trọng là được trang bị công cụ hỗ trợ và được đào tạo, huấn luyện bài bản, chuyên nghiệp hơn.
Công ty dịch vụ bảo vệ phi lợi nhuận có thể áp dụng theo mô hình DN xã hội theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014. Theo đó, Điều 10 của Luật doanh nghiệp 2014 quy định DN xã hội phải đáp ứng các tiêu chí: mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng; sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của DN để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.
Nghĩa vụ của DN xã hội là phải duy trì mục tiêu và điều kiện như trên trong suốt quá trình hoạt động. Về quyền, được huy động, nhận tài trợ dưới các hình thức khác nhau từ các cá nhân, DN, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức khác của VN và nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý, chi phí hoạt động của DN...
Như vậy, sau khi thành lập công ty dịch vụ bảo vệ phi lợi nhuận, cơ quan công an có thể ký thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ, như: hỗ trợ huấn luyện, đào tạo... để hiệp sĩ hoạt động bài bản hơn, có hiệu quả hơn.
Quan điểm của các thành viên Dân luật nghĩ sao về đề xuất này!?
Cập nhật bởi lanbkd ngày 14/01/2019 11:47:20 SA