Chào bạn,
Do thông tin bạn cung cấp không đầy đủ nên tôi không rõ việc "chia tài sản" ở đây theo ý bạn là như thế nào?
Chia tài sản khi cha mẹ còn sống (tặng cho tài sản, lập di chúc) hay chia tài sản khi cha mẹ đã chết (thừa kế) nên tôi sẽ trình bày cả 2 trường hợp để bạn tự đối chiếu:
1. Tặng cho tài sản, lập di chúc:
Cha mẹ bạn có toàn quyền quyết định việc định đoạt đối với tài sản của mình như tặng cho, lập di chúc cho ai là quyền của cha mẹ bạn (cho con, cháu hay một người xa lạ nào đó cũng được,..)
Cha mẹ bạn có thể lập di chúc, tặng cho một phần hoặc toàn bộ tài sản của mình cho ai? với tỷ lệ bao nhiêu? điều đó tùy thuộc vào quyết định của cha mẹ bạn, pháp luật tôn trọng quyền định đoạt của chủ sở hữu, chủ sử dụng tài sản trong trường hợp này.
2. Thừa kế:
Nếu tài sản chia là di sản của cha mẹ bạn để lại.
- Trường hợp không có di chúc di sản sẽ được chia theo pháp luật, theo quy định tại Điều 676 Bộ luật dân sự 2005 (BLDS) những người thừa kế cùng hàng thì được hưởng phần di sản bằng nhau (hàng thừa kế thứ nhất gồm có: vợ chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết) do đó 5 người con sẽ được hưởng phần di sản của cha mẹ để lại bằng nhau mà không có sự phân biệt con ở trong nước hay ở nước ngoài, con ở chung hộ khẩu hay khác hộ khẩu với cha mẹ (kể cả trường hợp con trong giá thú con ngoài giá thú cũng không có sự phân biệt).
- Trường hợp có di chúc (di chúc hợp pháp Điều 652 BLDS) thì di sản sẽ được chia theo di chúc trong đó có xét đến các trường hợp người thừa kế mà không phụ thuộc vào nội dung của di chúc (Điều 669 BLDS) và người không được quyền hưởng di sản (Điều 643 BLDS).
Thân mến chào bạn.
_____________________
Luật sư Phạm Hiếu Nghĩa
VP Luật sư Legal Việt Nam