Vừa qua, trên các mặt báo đều đưa tin về việc cựu cán bộ cơ quan có thẩm quyền có hành vi sai phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất. Việc vi phạm ảnh hưởng nghiêm trọng làm thất thoát ngân sách hàng chục tỉ đồng. Vậy pháp luật quy định như thế nào đối với hành sai phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất? Việc không tổ chức đấu giá mà chỉ định nhà đầu tư sẽ bị xử lý như thế nào?
Đấu giá quyền sử dụng đất của Nhà nước là một trong những phương thức để Nhà nước phát triển nguồn ngân sách.
Theo đó, việc đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) được pháp luật Việt Nam quy định cụ thể, rõ ràng và các tổ chức, cá nhân muốn tham gia đấu giá thì cần những điều kiện cụ thể.
Theo đó, đấu giá QSDĐ được thực hiện công khai, liên tục, khách quan, trung thực, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia.
Việc đấu giá QSDĐ phải đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về đấu giá tài sản.
Điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá QSDĐ
Tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá QSDĐ phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật Đất đai 2013;
- Phải bảo đảm các điều kiện để thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 58 của Luật Đất đai 2013 đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư.
Trường hợp nếu cá nhân, tổ chức không đủ điều kiện mà vẫn được tham gia đấu giá hoặc đăng ký tham gia đấu giá và trúng đấu giá thì tùy vào mức độ của hành vi sai phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Cũng theo đó, mà hành chỉ định nhà đầu tư, không thông qua đấu giá QSDĐ là hành vi trái với quy định của pháp luật và pháp luật quy định mức xử lý cụ thểcho hành vi sai phạm này.
Xử lý hành vi vi phạm
Xử lý hành chính
Căn cứ Điều 24 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định:
- Hành vi cho phép người không đủ điều kiện tham gia đấu giá tham gia cuộc đấu giá sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng theo quy định tại điểm i khoản 3 Điều 24 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.
- Hành vi cho người không được đăng ký tham gia đấu giá tài sản mà tham gia đấu giá sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 24 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.
Ngoài ra, đối với các hành vi trên còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:
- Hủy kết quả đấu giá tài sản nếu tài sản đấu giá là tài sản công đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm i khoản 3 Điều 24 Nghị định 82/2020/NĐ-CP trong trường hợp người không đủ điều kiện tham gia đấu giá hoặc không được đăng ký tham gia đấu giá là người trúng đấu giá;
- Đồng thời buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.
Xử lý hình sự
Trong trường hợp hành vi vi phạm có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người vi phạm trong hoạt động bán đấu giá tài sản sẽ bị xử lý về mặt hình sự theo quy định tại Điều 218 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể:
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
- Lập danh sách khống về người đăng ký mua tài sản bán đấu giá;
- Lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản;
- Thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản.
Mức phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm này có thể phạt tiền đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù đến 05 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm.