ĐẶNG THẾ THANH (Tòa án quân sự Khu vực 2 Quân khu 5) - BLTTHS năm 2015 đã có những quy định về “Chỉ định người bào chữa” theo hướng phù hợp hơn so với BLTTHS năm 2003 nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều vướng mắc, hơn nữa việc áp dụng trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự thuộc trường hợp bào chữa bắt buộc thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập. Điều đó, dẫn đến người bị buộc tội không được bảo đảm trọn vẹn quyền bào chữa, người bào chữa không thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình.
1.Quy định của BLTTHS năm 2015 về chỉ định người bào chữa
Điều 76 BLTTHS năm 2015 quy định:
“1. Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ: a) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; b) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.
2.Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức sau đây cử người bào chữa cho các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này: a) Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa; b) Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý; c) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình”.
So với BLTTHS năm 2003, BLTTHS năm 2015 đã mở rộng thêm trường hợp được bào chữa bắt buộc không chỉ riêng đối với những người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội theo khung hình phạt cao nhất là tử hình mà còn đối với những người về tội mà BLHS quy định mức cao nhất là 20 năm, tù chung thân; quy định thêm điều kiện người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa.
Điều 76 BLTTHS năm 2015 đã mở rộng diện người bào chữa gồm cả trợ giúp viên pháp lý để bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, đây là quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi để bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp người bị buộc tội mà còn phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn hiện nay khi đa phần trợ giúp pháp lý đều không có thẻ luật sư nên khó khăn trong việc tiếp cận và bảo vệ quyền lợi cho người bị buộc tội.
2.Một số bất cập, hạn chế trong việc thực hiện quy định chỉ định người bào chữa
2.1. Về tên gọi của Điều 76 BLTTHS năm 2015
Hiện tại quy định của BLTTHS năm 2015 dùng cụm từ “Chỉ định người bào chữa”, theo quan điểm của tác giả việc sử dụng cụm từ trên là chưa phù hợp, vì “Chỉ định” là một khái niệm có phần hạn chế trong việc thể hiện yêu cầu phải đảm bảo cho sự tồn tại của một yếu tố đối với quá trình tố tụng hình sự, mà lại dễ làm cho người khác có nhận thức về việc lựa chọn một chủ thể cụ thể nào đó. Điều này không chỉ là kết quả của hoạt động phân tích chủ quan mà thực tiễn thời gian qua cho thấy thuật ngữ “Chỉ định” thường được gắn với việc xác định kiểu người bào chữa tham gia tố tụng là Luật sư chỉ định và các chủ thể tham gia tố tụng hình sự, ít khi sử dụng cụm từ “chỉ định luật sư” mà thường sử dụng cụm từ “cử luật sư” hoặc “giới thiệu luật sư”. Điều này có phần xuất phát từ việc hạn chế tâm lý mặc cảm đối với người bào chữa khi cảm thấy bị chỉ định thay vì được cử hay được yêu cầu.
Theo tác giả, có thể thay bằng cụm từ “Bào chữa bắt buộc”, vì phản ánh tính chất không thể thiếu của một yếu tố đối với quá trình nhiều hơn là đối với một cá nhân chủ thể, nên sử dụng cụm từ này sẽ phù hợp hơn khi dùng để gọi tên một điều luật.
2.2.Đối với những người được chỉ định bào chữa
Tại điểm b khoản 1 Điều 76 BLTTHS năm 2015, có quy định chủ thể được bào chữa bắt buộc là người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa, quy định của BLTTHS là như vậy nhưng trong thực tiễn áp dụng rất khó khăn khi áp dụng, vì có nhiều cách hiểu khác nhau đối với trường hợp trên và hiện tại chưa có văn bản dưới luật hướng dẫn áp dụng.
Đối với người bị buộc tội có nhược điểm về tâm thần thì khó khăn nhất là trường hợp những nhược điểm này không phải bẩm sinh mà xuất hiện trong quá trình điều tra, xét xử vụ án. Khi cơ quan tiến hành tố tụng có nghi ngờ về tình trạng tâm thần của người bị buộc tội thì các cơ quan này phải trưng cầu giám định. Vì vậy, pháp luật cần phải quy định thời điểm ra quyết định trưng cầu giám định tâm thần là thời điểm các cơ quan này có nghĩa vụ đảm bảo người bào chữa cho người bị buộc tội chứ không chờ kết luận giám định. Vì nếu kết luận giám định là người bị buộc tội có nhược điểm về tâm thần thì sẽ đảm bảo được quyền bào chữa cho họ ngay từ đầu. Còn kết luận giám định không có nhược điểm về tâm thần thì lúc này sự tham gia tiếp theo của người bào chữa trong vụ án sẽ được giải quyết như trường hợp thông thường khác, tức là trên cơ sở thỏa thuận giữa người bị buộc tội và người bào chữa.
2.3.Chưa quy định người bào chữa bắt buộc được gặp bị cáo sau phiên tòa sơ thẩm
Mặc dù tại khoản 6 Điều 78 BLTTHS năm 2015 quy định:“Văn bản thông báo người bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng, trừ các trường hợp: Người bị buộc tội từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa; Người đại diện hoặc người thân thích của người bị buộc tội quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa” và tại điểm o khoản 1 Điều 73 BLTTHS năm 2015, quy định người bào chữa có quyền:“Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án nếu bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất theo quy định của Bộ luật này”. Với quy định như trên nhưng thiếu văn bản hướng dẫn thì việc người bào chữa gặp bị cáo sau phiên tòa sơ thẩm để thống nhất, trao đổi thực hiện một số công việc như kháng cáo, các hoạt động khác nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người bị buộc tội sẽ khó khăn và không được gặp như thực tế đã diễn ra trong thời gian qua.
2.4.Chưa có cơ chế phối hợp giữa cơ quan tiến hành tố tụng với Đoàn luật sư các tỉnh thành về hình thành cơ chế “Luật sư, Trợ giúp pháp lý trực ban”
Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, người đại diện hoặc người bào chữa cho người bị buộc tội có quyền và nghĩa vụ tham gia, chứng kiến khi cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, lấy lời khai của người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần. Trường hợp người bị buộc tội không có người đại diện hoặc khi mà cơ quan tiến hành tố tụng chưa liên hệ, không tìm được người đại diện của người bị buộc tội, chưa tìm được luật sư bảo vệ, bào chữa, thì các cơ quan tiến hành tố tụng có thể mời luật sư trực ban tham gia ngay các hoạt động tố tụng này để đảm bảo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội.
2.5.Chưa có chế tài xử lý những người tiến hành tố tụng cản trở quyền bào chữa của người bị buộc tội, quyền hành nghề luật sư
Hiện nay BLTTHS và các văn bản hướng dẫn chưa có chế định nào xử lý những hành vi cản trở hoạt động hành nghề của người bào chữa. Trên thực tế, cũng chưa thấy vụ án mà người tiến hành tố tụng bị xử lý nghiêm túc, công khai về hành vi này, cùng lắm chỉ là nhắc nhở, rút kinh nghiệm nội bộ. Do đó, cần phải có chế tài xử lý nghiêm vi phạm của người tiến hành tố tụng.
2.6.Chưa có sự thể chế hóa ở một mức độ cao mối quan hệ giữa người bào chữa với các cơ quan tiến hành tố tụng có tính chất vừa hợp tác, vừa chế ước
Cơ quan tiến hành tố tụng và người bào chữa đều có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật, tôn trọng nhau và tạo mọi điều kiện thuận lợi trong khuôn khổ của pháp luật cho phép để tìm ra sự thật của vụ án. Sự chế ước giữa người bào chữa với cơ quan tiến hành tố tụng thể hiện sự giám sát lẫn nhau trong quá trình thực thi nhiệm vụ để pháp luật được thi hành đúng đắn. Một sai sót hay một sự lạm quyền của bên này đều có thể thành sự tranh luận hoặc chỉ trích của bên kia. Sự chế ước này còn góp phần làm giảm thiểu sự vi phạm pháp luật của những người nói trên trong quá trình giải quyết vụ án với mục đích cuối cùng là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Vị thế của người bào chữa với những quyền hạn và nghĩa vụ như hiện nay thì người bào chữa khó trở thành đối tượng, cân sức với cơ quan tiến hành tố tụng đầy đủ quyền lực, nên cần phải cải cách, phải gia tăng thêm quyền hạn để người bào chữa đủ điều kiện chế ước.
3.Đề xuất hướng hoàn thiện
Để giải quyết những vấn đề đặt ra ở trên, các cơ quan có thẩm quyền xây dựng, ban hành pháp luật cần rà soát lại toàn bộ các quy định về “Chỉ định người bào chữa”, qua đó có những chỉnh sửa, bổ sung đối với BLTTHS hiện hành; ban hành các văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể đối với các vấn đề liên quan theo hướng sau:
Thứ nhất, về tên gọi của Điều 76 BLTTHS năm 2015, nên thay cụm từ “Chỉ định người bào chữa” bằng cụm từ “Bào chữa bắt buộc”.
Thứ hai, cần ban hành văn bản quy định hướng dẫn cụ thể về vấn đề nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa theo hướng sau: “Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất nhất định và những nhược điểm này làm cản trở người bị buộc tội tự mình thực hiện quyền bào chữa”.
Đối với người bị buộc tội có nhược điểm về tâm thần, mà nhược điểm về tâm thần xuất hiện trong quá trình điều tra, xét xử vụ án, thì khi cơ quan tiến hành tố tụng có nghi ngờ về tình trạng tâm thần của người bị buộc tội thì các cơ quan này phải trưng cầu giám định.
Thứ ba, cần ban hành văn bản quy định người bào chữa được quyền gặp người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất sau phiên tòa sơ thẩm trong trường hợp người đó tiếp tục bị tạm giam.
Thứ tư, cần ban hành văn bản quy định về cơ chế phối hợp giữa cơ quan tiến hành tố tụng với Đoàn luật sư các tỉnh thành về hình thức cơ chế “Luật sư, trợ giúp pháp lý trực ban”.
Thứ năm, cần phải có chế tài những người tiến hành tố tụng cản trở quyền bào chữa của người bị buộc tội, quyền hành nghề của luật sư. Hiện nay, BLTTHS năm 2015 và các văn bản hướng dẫn vẫn chưa có chế định nào xử lý những hành vi cản trở hoạt động hành nghề của luật sư.
Thứ sáu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân là những cơ quan tiến hành tố tụng của pháp luật, những chủ thể được mang quyền lực nhà nước, nhân danh Nhà nước trong lĩnh vực tư pháp để tiến hành các hoạt động của mình theo quy định của pháp luật. Còn người bào chữa cho người bị buộc tội là người tham gia tố tụng. Do vậy, cần phải thể chế hóa ở một mức độ cao hơn nữa, đầy đủ hơn nữa các quyền và nghĩa vụ của người bào chữa để họ có điều kiện, phương tiện bảo vệ người bị buộc tội mà mình đảm nhận một cách hiệu quả nhất theo quy định của pháp luật góp phần hạn chế oan sai trong quá trình giải quyết vụ án hình sự
Tóm lại, việc chỉnh sửa, bổ sung đối với BLTTHS hiện hành và ban hành các văn bản hướng dẫn đối với “Chỉ định người bào chữa” là đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội, tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân… Bào chữa bắt buộc góp phần vào việc xác định sự thật khách quan của vụ án, bảo đảm quá trình điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
Theo Tạp chí tòa án