Chào bạn.
1. Bạn không nêu rõ Hợp đồng lao động có thời hạn như thế nào và lý do Công ty đưa ra khi chấm dứt Hợp đồng lao động là gì. Xin được có ý kiến chung như sau:
Theo quy định tại điều 38 Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:
a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng.
b) Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại điều 85 của Bộ luật Lao động.
c) Người lao động làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn ốm đau đã điều trị 12 tháng liền, người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn ốm đau đã điều trị 6 tháng liền và người lao động làm theo hợp đồng lao động dưới 1 năm ốm đau đã điều trị quá nửa thời hạn hợp đồng, mà khả năng lao động chưa hồi phục. Khi sức khoẻ của người lao động bình phục, thì được xem xét để giao kết tiếp hợp đồng lao động.
d) Do thiên tai, hoả hoạn, hoặc những lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc.
đ) Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức chấm dứt hoạt động.
Trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải trao đổi với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở. Trong trường hợp không nhất trí, hai bên phải báo với cơ quan có thẩm quyền. Sau 30 ngày, kể từ ngày báo cho cơ quan lao động biết, người sử dụng lao động mới có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Trường hợp không nhất trí với quyết định của người sử dụng lao động, Ban chấp hành Công đoàn cơ sở và người lao động có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự do pháp luật quy định.
Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại điểm b nêu trên, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:
- Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
- Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1-3 năm.
- Ít nhất 3 ngày đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ, theo một công việc nhất định mà thời hạn dưới 1 năm.
Như vậy, nếu người lao động không bị xử lý kỷ luật sa thải thì người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động.
2. Khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức từ 1 năm trở lên, người sử dụng lao động có trách nhiệm trợ cấp thôi việc, cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương, cộng với phụ cấp lương, nếu có (theo quy định tại điều 42 Bộ luật Lao động).
Căn cứ vào nội dung bạn nêu ra thì bạn mới làm việc liên tục có 10 tháng nên bạn không thuộc đối tượng được trợ cấp thôi việc theo quy định trên.
3. Hợp đồng lao động không theo mẫu chung của Bộ LĐTBXH nhưng vẫn bảo đảm các nội dung theo qui định tại khoản 1 Điều 29 của Bộ Luật Lao động thì vẫn có hiệu lực.
4. Khi tuyển dụng nhân viên vào làm việc, nếu bạn không đồng ý với thời gian lao động mà người sử dụng lao động đưa ra (ví dụ: 10 tháng) thì bạn có thể từ chối làm việc. Bạn đã chấp nhận làm việc thì không thể nói người sử dụng lao động là “lừa đảo”.
5. “Thư mời nhận việc” không phải là Hợp đồng Lao động. Khi ký Hợp đồng Lao động có mức lương thấp hơn so với “Thư mời nhận việc” thì bạn có thể từ chối, còn bạn đã chấp nhận thì phải hưởng lương theo sự thỏa thuận (là Hợp đồng Lao động).
Một số ý trao đổi cùng bạn.
Thân.