Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì lao động nữ mang thai sẽ được hưởng chế độ thai sản.
Theo Khoản 2 Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì lao động nữ sinh con, lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi mới được hưởng chế độ thai sản.
Như vậy, việc hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai sẽ không phụ thuộc vào thời gian đóng bảo hiểm.
Lao động nữ khi mang thai sẽ được chế độ khám thai theo Điều 32 Luật bảo hiểm xã hội 2014, cụ thể: “Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai”.
Về mức hưởng chế độ thai sản: vì lao động nữ mang thai đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng nên theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 39 Luật bảo hiểm xã hội 2014 mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;
Cũng theo điểm b Khoản 1 Điều 39 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày
Như vậy, đối với lao động nữ mang thai dù chưa đóng đủ 6 tháng BHXH thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo Luật bảo hiểm xã hội. Doanh nghệp khi sử dụng lao động mang thai thì phải tuân thủ các quy định tại Bộ luật lao động 2012 và Luật bảo hiểm xã hội 2014 về sử dụng lao động nữ mang thai.