Chây ì thuế quá 3 tháng phải chịu lãi phạt 25.5%/năm... !
Cơ quan soạn thảo Luật Quản lý thuế đề xuất sửa đổi mức phạt chậm nộp thuế quá 3 tháng lên mức 0,07% một ngày, tương đương 25,5% một năm. Mức phạt cho thời gian dưới 90 ngày vẫn là 0,05% như hiện hành.
Là nội dung được cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến đại biểu tại kỳ họp thứ 3, mức phạt đối với hành vi chậm nộp thuế tiếp tục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận trong phiên họp sáng 15/8.
Cụ thể, mức phạt hiện hành được quy định ở mức 0,05% một ngày (18,25% một năm), được cơ quan soạn thảo đề xuất đưa lên 0,07% một ngày (25,5% một năm) để đảm bảo tính răn đe, tránh trường hợp doanh nghiệp cố tình chây ì, chiếm dụng vốn. Tại kỳ họp thứ 3, có một số ý kiến đại biểu cho rằng mức phạt như vậy là quá cao. Tuy nhiên, cũng có đề nghị tăng mức phạt tới 0,1% một ngày (36,5% môt năm) hoặc quy định mức phạt chậm nộp theo biểu lũy tiến.
Doanh nghiệp chây ì thuế quá 90 ngày có thể phải chịu lãi 25,5% một năm. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Doanh nghiệp chây ì thuế quá 90 ngày có thể phải chịu lãi 25,5% một năm. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Tiếp thu những ý kiến này, cơ quan soạn thảo dự kiến đưa ra phương án phạt với 2 nấc: nếu thời hạn chậm dưới 90 ngày, mức phạt vẫn giữ nguyên so với hiện hành (0,05% một ngày). Tuy nhiên, nếu vượt quá khoảng thời gian trên, lãi suất sẽ tăng lên 0,07% một ngày, tính trên số thuế chậm nộp.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – Nguyễn Văn Giàu, để không tạo ra các kẽ hở cũng như đảm bảo tính thống nhất trong văn bản luật, chỉ nên quy định một mức phạt. Mức phạt cần căn cứ trên mục tiêu lạm phát của cả giai đoạn: “Nếu trong những năm tới, xác định được lạm phát chỉ ở mức 5 – 7% thì cần xác định lãi suất ngân hàng là bao nhiêu để đưa ra mức phạt cho phù hợp”, ông Giàu đề xuất.
Tuy nhiên, theo lý giải của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách – Phùng Quốc Hiển mục tiêu của việc sửa đổi là để đảm bảo tính nghiêm minh, tăng mức độ chấp hành của người nộp thuế. Do đó, việc tăng mức phạt là cần thiết trong điều kiện hiện nay. Đồng thời, việc chây ì quá 90 ngày là một “câu chuyện khác” so với chậm nộp. Do đó, cần có hình thức phạt cao hơn. Thường vụ Quốc hội do đó đã nhất trí với hướng sửa đổi nêu trên.
Câu chuyện chậm nộp thuế được đặc biệt quan tâm khi các ông lớn bất động sản, xây dựng nợ đọng tới hàng nghìn tỷ đồng, gây quan ngại nguy cơ chiếm dụng ngân sách nhà nước trong bối cảnh khát vốn, khó tiếp cận ngân hàng.
Liên quan đến các mức phạt đối với việc khai thiếu thuế, các ý kiến tại Thường vụ Quốc hội đều thống nhất cho rằng đây là hành vi trốn thuế, cần được xử lý nghiêm. Tuy nhiên, theo đề xuất của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, cần phân biệt việc các hành vi khai thiếu. Cụ thể nếu doanh nghiệp khai thiếu, nộp thiếu nhưng không có dấu hiệu gian lận về kế toán thì có thể áp mức phạt 20% trên số tiền khai thiếu. Tuy nhiên, nếu cố tình gian lận, mức phạt có thể bằng 1 – 3 lần số tiền khai gian.
Một vấn đề khác cũng được Thường vụ Quốc hội thảo luận trong phiên làm việc sáng 15/8 là thẩm quyền gia hạn thuế, hiện được giao cho Chính phủ. Theo đề xuất của Ủy ban Tài chính ngân sách, trong luật sửa đổi, chỉ nên giao Chính phủ gia hạn đối với các trường hợp cụ thể (chẳng hạn gia hạn thuế cho doanh nghiệp). Trong trường hợp gia hạn trên diện rộng, thẩm quyền cao nhất nên được trao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy vậy, theo Phó chủ tịch Quốc hội – Uông Chu Lưu, việc gia hạn nộp thuế không phải là miễn, giảm thuế. Do đó, không cần thiết phải thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Do đó, ông Lưu cho rằng việc giao quyền quyết định cho Ủy ban Thường vụ là không cần thiết. Một số ý kiến khác cũng cho rằng việc làm rõ khái niệm “diện rộng – diện hẹp” là không khả thi.
Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng thông thường, việc giãn thuế chỉ làm ảnh hưởng tới nguồn thu trong thời gian ngắn, thông thường là 1 – 2 tháng, ít ảnh hưởng tới niên độ ngân sách. Do đó, Bộ trưởng đề xuất nếu việc giãn thuế không ảnh hưởng tới mục tiêu thu ngân sách của năm, nên giao quyền quyết định cho Chính phủ để đảm bảo kịp thời. Tuy nhiên, nếu việc giãn thuế vắt qua niên độ ngân sách của năm sau, ảnh hưởng đến nguồn thu thì Chính phủ sẽ xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cũng liên quan đến Luật Quản lý Thuế, trong phiên làm việc sáng 18/5, Thường vụ Quốc hội cũng thảo luận một số vấn đề như quy trình kiểm tra hoàn thuế, thời gian áp dụng. Theo dự kiến ban đầu, luật dự kiến được áp dụng từ năm 2014. Tuy nhiên, do yêu cầu cấp bách, Bộ Tài chính cũng đã cam kết sẽ hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua và ban hành các văn bản liên quan để áp dụng luật mới từ 1/7/2013.
(Nguồn vnexpress.net - Kinh Tế )
Cung cấp dịch vụ Đào tạo kế toán trưởng, dịch vụ tư vấn thuế, dịch vụ Setup hệ thống kế toán cho DN
Dịch vụ soát xét hóa đơn, chứng từ, sổ sách trước khi Quyết toán thuế.
Liên hệ: Ms Vân 0969.790.185/ Zalo: 0969.790.185/ Skype:van_kttc